Trên đường Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức), tối 10.10, một người đàn ông lưu thông khi trời mưa đã bị té nhào xuống miệng cống không nắp đậy và bị nước cuốn trôi chết. Đến nay, có lẽ số người chết và bị thương do việc thi công tắc trách ở TP.HCM đã không còn có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Tái lập tạm - tai nạn thật
Việc nhà thầu thi công cẩu thả, để lại những cái bẫy chết người trên đường không phải chuyện mới ở TP.HCM. Từ năm 2007 đã xuất hiện nhiều cái chết thương tâm do lọt hố ga, ổ gà các công trình xây dựng thiếu rào chắn - trong đó phần lớn nạn nhân là trẻ em. Cũng từ đó đến nay, dư luận nhiều lần lên tiếng cảnh báo và truy vấn trách nhiệm của đơn vị quản lý, thi công các công trình công cộng. Thế nhưng, sau mỗi lần chấn chỉnh và rút kinh nghiệm của cơ quan chức năng, người dân vẫn tiếp tục chứng kiến những tai nạn đau lòng, mà gần đây nhất là hàng loạt vụ sụp hố do tái lập "lô cốt" cẩu thả.
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa - Trưởng bộ môn Đô thị học (Đại học KHXH&NV TP.HCM), các cơ quan chức năng khi giải thích về tình trạng tái lập bê bối, thường cho rằng việc tái lập chỉ tạm thời, đợi khi làm xong mới tái lập hoàn thiện. Song, theo ông Hòa, cụm từ "tái lập tạm" của ngành giao thông rất cần phải xem lại, bởi việc lưu thông của người dân là thật, và rất nhiều trường hợp đã phải đánh đổi bằng mạng sống thật. "Theo nguyên tắc, trước khi cho phép lưu thông thì ngành giao thông phải kiểm tra, nghiệm thu để đảm bảo an toàn cho người dân, chứ không thể thông xe bừa rồi đến khi xảy ra tai nạn lại đổ thừa là làm tạm. Tái lập tạm trong khi việc lưu thông là thật, chẳng khác nào các cơ quan quản lý đang đùa với mạng sống người dân" - ông Hòa bức xúc.
Ở góc độ chuyên môn, thạc sĩ Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM - khẳng định, tình trạng sụp hố như thời gian qua rõ ràng do công tác tái lập mặt đường không đảm bảo chất lượng. Để lắp đặt cống phải tiến hành đào đường sâu từ vài mét đến mười mấy mét. Nếu trong quá trình tái lập, nhà thầu lấp cát và lu lèn không chặt, không đều thì khi xe cộ lưu thông gây chấn động, cát bên dưới sẽ bị sàng lắc, để lại lỗ hổng và gây sụp lún. Theo ông Sanh, bất kỳ nhà thầu xây dựng nào cũng có thể lường được khả năng này, nhưng vẫn để xảy ra sự cố thì chỉ có thể lý giải là do nhà thầu làm qua quýt, sơ hở. Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ của nhà thầu mà còn thuộc về chủ đầu tư và cơ quan quản lý chuyên ngành, do các đơn vị này có nhiệm vụ kiểm tra, nghiệm thu và cho phép thông xe.
Trong khi đó, TS Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty tư vấn thiết kế NVD - cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm chính trong các vụ tai nạn do công trình công cộng gây ra. Theo ông Sơn, chính điều này nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như nhà thầu, chứ ở TP.HCM có tình trạng nhà thầu làm việc tắc trách nhưng lại bắt người dân phải đi kiện đòi bồi thường là không hợp lý. Trách nhiệm của chính quyền là quản lý, giám sát nhà thầu, và khi nhà thầu làm việc cẩu thả gây thiệt hại cho người dân thì chính cơ quan quản lý phải đứng ra đòi bồi thường cho dân.
Đề nghị xử lý hình sự nhà thầu
Cách đây 2-3 năm, đã có ý kiến đặt vấn đề về việc xử lý hình sự nhà thầu thi công tắc trách, song trong số rất nhiều vụ tai nạn chết người vừa qua, vẫn chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sư Thái Văn Chung - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng các vụ tai nạn này đều hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm, thế nhưng, người nào phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thì vẫn chưa được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Phần lớn vụ việc đều rơi vào im lặng hoặc chỉ bị phạt hành chính một cách nửa vời. Chính vì xử lý chưa nghiêm, chế tài chưa đủ răn đe nên tai nạn vẫn cứ tiếp diễn, nhất là trong mùa mưa bão.
Theo ông Chung, Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành đã quy định một số tội danh dành cho hành vi thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực xây dựng, quản lý các công trình công cộng. Trong đó, nhà thầu đặt trái phép chướng ngại vật, dựng "lô cốt", tạo lỗ đào sâu, hố ga, ổ gà... trên đường trong quá trình thi công, tu bổ đường sá, hầm cống thì cá nhân có thể bị quy trách nhiệm về "tội cản trở giao thông đường bộ" (Điều 203 BLHS). Nếu sau khi công trình đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước mà tai nạn xảy ra thì các cá nhân có thể chịu trách nhiệm pháp lý về "tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông" (Điều 220 BLHS). Còn nói chung, khi tai nạn xảy ra, các cơ quan tố tụng đều có thể xem xét trách nhiệm hình sự về "tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" (Điều 285 BLHS), "tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" (Điều 99 BLHS), "tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" (Điều 109 BLHS)...
Những vụ sụt lún mặt đường gần đây - Chiều 10.10, một ô tô bị sụp đoạn đường do "lô cốt" để lại giữa ngã tư Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng, Q.1. - Trưa 8.10, nhiều người lưu thông hướng từ đường Hai Bà Trưng về Phan Đình Phùng đã hoảng hốt khi bất ngờ xuất hiện một "hố đen" to tướng ngay đường dẫn lên cầu Kiệu. - Ngày 7.10, mặt đường đường Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh) bỗng dưng bị sụp xuống một lỗ to, sâu hơn 2m. - Ngày 5.10, đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh) đang bằng phẳng bỗng nhiên phình lên như "cái bánh phồng" cao gần nửa mét, sau đó mặt đường bể ra, nứt toác. - Ngày 14.9, một hố sâu khoảng 3m, rộng 4m xuất hiện trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3) làm một taxi 7 chỗ đang lưu thông trên đường cắm đầu xuống hố. - Ngày 13.9, hố sâu gần 1m, rộng 2m xuất hiện gần giao lộ Võ Văn Vân - đường liên ấp 1, 2, 3 (H.Bình Chánh). - Ngày 28.8, một hố sâu khoảng 3m, rộng 6m đột ngột xuất hiện tại hẻm 368 Lê Văn Sỹ (Q.3). -- Đầu tháng 8, một hố sâu hơn 2m, rộng 3m cũng đột ngột xuất hiện ngay giao lộ Phan Đình Phùng - Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận). |
Phương Thanh
Bình luận (0)