Lời kể của người trong cuộc
Lực lượng cứu hộ để đến được hiện trường chỉ cách trung tâm thị xã tỉnh lỵ chừng 2 km phải đi bằng ca-nô vì nước ngập sâu tứ bề. Theo một số nhân chứng, chiếc thuyền chở khách do ông Bùi Thanh Đông (khoảng 35 tuổi, ở thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng - Tam Kỳ) khi chạy từ Tam Đàn, xuôi hướng bắc - nam về Tam Thăng, khi đến cầu Mỹ Cang dẫn xuống khu vực địa đạo Kỳ Anh đã vướng gầm cầu, thuyền vỡ và chìm. Anh Phạm Văn Tịnh (42 tuổi, nhà ở ngay trong thôn Mỹ Cang (xã Tam Thăng) đã cùng khoảng 50 người dân đầu tiên có mặt tại hiện trường cứu nạn nhân cho biết: "Nghe tiếng la, tôi chạy đến chỉ sau chừng 5 phút. Ngay sau đó, hàng nghìn người dân đã có mặt. Trên sông lúc đó hàng hóa trôi bồng bềnh, người ngụp lặn lô nhô. Nhóm chúng tôi đã lặn xuống cứu khoảng 5 người, có một chị lôi vào bờ khoảng 4 người, thêm một số người đi trên đường cứu 2-3 nạn nhân nữa". Anh Tịnh lần đầu tiên tham gia cứu người bị chìm thuyền, dù có nghề sông nước. Anh rất tiếc vì nhiều người dân đến trễ, nước lại quá xuết, nếu không sẽ có thêm một số người được cứu sống.
Hiện trường vụ đắm thuyền |
Lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và nhân dân tham gia cứu hộ |
Phạm Mạnh Hùng, 28 tuổi, ở thôn Xuân Quế bên kia sông (thuộc xã Tam Thăng) cũng là một trong những người đến ứng cứu đầu tiên. Hùng nhớ lại: "Lúc đó có chừng 3-4 khách nhanh tay bám thành cầu, thoát chết. Trên thuyền còn khoảng 17-18 người, và chiếc thuyền chìm xuống dần. Riêng Hùng cứu được 2 người, sau bị căng cơ bắp chân đành bất lực nhìn nạn nhân bị nước cuốn. Phạm Văn Sơn, 28 tuổi, cùng nhóm người ở thôn Xuân Quế bên cạnh bơi thuyền sang đã cứu được 4 người, trong đó có một phụ nữ mang bầu và một cô gái trẻ. Lúc đó khoảng 8 giờ 40 phút.
Chủ tịch UBND xã Tam Thăng, Trương Minh Hạnh, xác nhận sự việc xảy ra khoảng hơn 8 giờ ngày 2/11. Cho đến 11 giờ, ông Hạnh cho biết trên thuyền chở ít nhất 20 người, một số người từ Đà Nẵng vào. Đã có 5 người chết sau khi chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Quảng Nam. Theo ông Hạnh, tại khu vực này không có thuyền chở khách chuyên nghiệp mà đa phần là ghe hút cát ven sông, sang mùa lụt bèn "chuyển" sang chở khách. Ngay chủ thuyền Bùi Thanh Đông cũng mới biết lái. Lúc xảy ra sự cố, Phan Thanh Thương (17 tuổi), ở cùng xã được chủ thuyền nhờ cầm lái. Trong cơn hoảng loạn, Thương không nhớ chính xác có bao nhiêu người trên thuyền, bao nhiêu người còn chìm dưới sông. Thương kể với PV Thanh Niên: "Lúc phát hiện thuyền sẽ va vào gầm cầu, tôi cố lái vào bờ nhưng nước chảy mạnh quá, thuyền lại chết máy. Lúc thuyền chìm, tôi cũng cố kéo một người nhưng vô gần đến bờ đuối sức, phải thả".
Những cái chết thương tâm
Cùng các chiến sĩ Phòng CSGT Công an tỉnh và ca-nô của UBND thị xã Tam Kỳ, Đại tá Lê Thanh Tùng - Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Nam đã nhận tin báo, chỉ đạo lực lượng ứng cứu ngay lập tức những vẫn không ngăn được những cái chết rất thương tâm. Như chuyện ông Trần Công Trị, 45 tuổi, cùng con trai về thăm quê nội ở thôn Thế Đông, xã Bình Nam - H. Thăng Bình trở về (gia đình ông Trị đã chuyển vào ở khu phố 7, phường Tân Thạnh, TX Tam Kỳ). Khi thuyền vỡ, chìm xuống, ông Trị cố níu con trai là Trần Công Thuấn (11 tuổi, học sinh trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi - Tam Kỳ) dìu vào bờ. Khi chỉ còn cách bờ chừng 2 mét, đuối sức nên cha con ông Trị bị nước cuốn. Dù chuyển lên bệnh viện sơ cứu nhưng cha con ông Trị đã tắt thở, bỏ lại vợ và một đứa con đang học lớp 8. Lúc 10 giờ 45, khi người cháu tên Hồ Thị Tý đến nhờ bà con cho xin phương tiện chở hai cha con về lại quê nội Bình Nam để mai táng đã khiến nhiều người bùi ngùi...
Hiện trạng chiếc thuyền đã vỡ toác được kéo vào bờ |
Phạm Mạnh Hùng (giữa), người đã tham gia cứu vớt nhiều nạn nhân |
Trong số 5 người chết đã được nhận diện ban đầu ngoài cha con ông Trần Công Trị còn có: Trương Thị Phương (ở Tam Thăng, học sinh lớp 12 PTTH Trần Cao Vân - Tam Kỳ); chị Hồ Thị Hải (thôn Thạch Tân - Tam Thăng, khoảng 22 tuổi); chị Trần Thị Mai (43 tuổi, Tam Thăng-Tam Kỳ). Lúc 14 giờ 30, theo lực lượng cứu hộ BĐBP tỉnh, có khả năng thêm 2 người mất tích. Chị Lê Thị Tiên, 22 tuổi, người ở thôn Mỹ Cang đã may mắn được cứu sống nhưng mãi 2 giờ sau đó lại đột ngột ngất xỉu nên phải chuyển khẩn cấp lên bệnh viện. Khi ôm con gái ngồi trên ca-nô của CSGT, mẹ của Tiên còn dặn với theo chồng đang ở trên bờ: "Anh về xem thằng con nhỏ ở nhà, hình như nó đau chi trong bụng đó!".
|
Ngay sáng 2/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc quyết định chi hỗ trợ 2 triệu đồng cho những người đã chết, 1 triệu đồng đối với những người may mắn sống sót. Ông Phúc thừa nhận "đây là một tai nạn bất ngờ và là một cú sốc lớn" đối với địa phương.
Hứa Xuyên Huỳnh
Bình luận (0)