Một đêm trực ngay ngày đầu tiên nghỉ hè tại Bệnh viện Mắt Trung ương, chúng tôi đã phải xử lý cho 4 cháu nhỏ bị tai nạn mắt, mỗi cháu một hoàn cảnh và hình thái tổn thương khác nhau.
Cháu A. (ngụ TP Hà Nội) chạy vội đi vệ sinh để còn vào chơi game đã đâm sầm vào cửa kính ở cửa nhà. Mảnh vỡ kính xé toạc một bên mặt, làm vỡ nhãn cầu cùng bên. Mặc dù vất vả khâu vá phục hồi mặt và mắt cho cháu nhưng về mặt thẩm mỹ nhất định sẽ bị ảnh hưởng, chức năng một bên mắt gần như đã mất.
Cháu T. (ngụ tỉnh Nam Định) đùa nghịch bằng dao với người anh của mình. Lưỡi dao từ tay người anh vung lên không hề chủ ý nhưng vô tình bổ đôi con mắt của em. Dù đã được khâu cấp cứu nhưng một con mắt người em đã mù.
Hay trường hợp cháu L. (ngụ tỉnh Nghệ An) là trẻ sơn cước, đồ chơi không có nên chỉ biết dùng que chơi đùa với bạn. Que chọc thẳng vào mắt gây xuất huyết tiền phòng, đứt chân mống mắt, lệch thể thủy tinh. Phẫu thuật cũng phải vài ba lần, khá tốn kém nhưng hiệu quả chỉ đủ giúp cháu trông thấy ánh sáng.
Trường hợp cháu T. (10 tuổi, ngụ Hà Nội), chơi đùa với bạn, bị móc giá phơi quần áo ở lớp bán trú móc ngược vào mi mắt, gây vết thương mi dài đến tận trán. Vết thương này chắc chắn sẽ gây sẹo lớn trên khuôn mặt.
Tai nạn mắt nói riêng hay tai nạn nói chung là rất khó loại trừ. Nhưng thực tế, nếu chúng ta lưu ý trong chăm sóc trẻ thì vẫn hoàn toàn phòng ngừa hay chí ít cũng giảm thiểu được. Các tổ chức quốc tế bảo vệ trẻ em khuyến cáo rằng:
- Đừng bao giờ để trẻ nhỏ xa rời sự giám sát của người lớn. Người lớn sơ ý, mải vui, bỏ trẻ một mình thì đồng nghĩa với việc tai họa thường ập đến.
- Đừng cho trẻ chơi những trò nguy hiểm, chạy nhảy với những vật nhọn sắc.
- Vật dụng xung quanh trẻ phải khó gây sát thương; cách bố trí về tầm, hướng cũng phải an toàn.
- Đồ chơi nhựa, đồ dùng học tập... không được sắc nhọn hoặc phải có nắp bảo vệ... Phải xem đó là những quy tắc an toàn trong học đường cũng như tại gia đình.
- Đeo kính có thể làm làm giảm 50% các tai nạn cho mắt.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)