(TNO) Qua những chương trình truyền hình thực tế càng cảm nhận rõ nét người trẻ không thờ ơ với âm nhạc truyền thống và giữ gìn theo cách rất riêng.
Giây phút đăng quang đầy xúc động của "Thị Mầu" Đức Vĩnh - Ảnh: Nguyên Nguyễn
|
Cách đây mấy năm, dư luận từng dấy lên những cuộc thảo luận về sự quay lưng của giới trẻ với các loại hình nghệ thuật dân tộc. Nhạc Hàn Quốc, Âu-Mỹ sôi động trở nên thịnh hành trong đời sống âm nhạc của giới trẻ đã khiến những làn điệu dân ca, ca trù... “khép mình” lặng lẽ. Hiện tại nó vẫn giữ thế thượng phong, nhưng dòng chảy của âm nhạc cổ truyền đang được khơi nguồn mạnh mẽ trong cộng đồng.
Trong chương trình truyền hình thực tế Giọng hát Việt nhí năm 2013, cô bé Phương Mỹ Chi đã tạo nên cơn sốt khi thể hiện các bài hát dân ca Nam bộ. Dù chỉ giành giải á quân cuộc thi nhưng “chị bảy” đã nhận được sự yêu mến của đông đảo người hâm mộ. Cô bé hát nhạc dân ca này đã thổi một làn gió mới vào đời sống âm nhạc đương đại khiến người ta phải nhắc, nghe và hát theo. Quán quân của chương trình Giọng hát Việt nhí mùa thứ 2 cũng thuộc về cô bé hát nhạc dân ca Nguyễn Thiện Nhân. Và lần gần đây nhất, cậu bé Nguyễn Đức Vĩnh giành giải cao nhất trong chương trình tìm kiếm tài năng Việt Nam khi biến hóa tài tình ở nhiều vai diễn khác nhau: Thị Mầu lên chùa; Xúy Vân giả dại... gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả.
Có lẽ, đã rất lâu rồi âm nhạc cổ truyền mới được xướng lên nhiều như thế trên những sân khấu hiện đại, hoành tráng. Giải thưởng của Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân và Đức Vĩnh thể hiện tình cảm của công chúng không chỉ riêng với các em mà còn với nhạc dân tộc - tài sản vô giá của cha ông để lại. Những tiết mục về nghệ thuật truyền thống đã đến thẳng trái tim của công chúng mà không cần phải bất cứ chiêu trò nào để hút khách như thường thấy ở nhiều chương trình truyền hình thực tế.
Câu chuyện về 3 tài năng nhí nêu trên là những biểu hiện sinh động cho thấy nhạc cổ truyền đang hồi sinh và nhân lên mạnh mẽ trong từng ngõ ngách của cuộc sống. Thế giới âm nhạc của cha ông mang đậm tính cách, tâm hồn Việt được chắt lọc qua năm tháng, thế nên công chúng không cần phải định hướng, tranh luận như 2 đội già - trẻ trong chương trình Giai điệu tự hào vẫn có thể tiếp cận dễ dàng. Khi đời sống âm nhạc hiện đại như một “nồi lẩu thập cẩm” với đủ cả “thượng vàng hạ cám” thì mọi người quay lưng tìm về các loại hình nghệ thuật dân tộc là điều tất yếu. Điều ấy cũng giống như những món ăn đặc sản ngày nay lại là những thứ bình dân trong mâm cơm thuở trước.
Bình luận (0)