Tài năng trẻ thể thao Việt Nam: Nuôi mà ít dưỡng

25/08/2013 11:00 GMT+7

Chỉ “rụt rè” đặt chỉ tiêu đoạt 1 HCV tại Đại hội thể thao trẻ châu Á nhưng VN đã cán đích với 5 HCV. Thành tích đặc biệt xuất sắc này càng đặt ra cho các nhà quản lý một cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về đầu tư lâu dài cho thể thao VN.

Chỉ “rụt rè” đặt chỉ tiêu đoạt 1 HCV tại Đại hội thể thao trẻ châu Á nhưng VN đã cán đích với 5 HCV. Thành tích đặc biệt xuất sắc này càng đặt ra cho các nhà quản lý một cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về đầu tư lâu dài cho thể thao VN.

Tiền và… nhiều tiền

Trưởng đoàn thể thao VN, ông Lâm Quang Thành - Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - nhận định vị trí thứ 7 trên 26 đoàn có huy chương và trên 45 quốc gia, vùng lãnh thổ của VN là những thành quả hết sức quý giá và hoàn toàn không có sự “ăn may”, bởi các VĐV trẻ châu Á dự đại hội lần này đều rất giỏi. Ông Thành khẳng định các VĐV VN đạt kết quả tốt, nhất là những VĐV khiến VN “mở mày mở mặt” với châu Á như Lý Hoàng Nam, Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Thị Trúc Mai, Nguyễn Trần Anh Tuấn sẽ tiếp tục được “chăm bẵm” để tài năng không bị thui chột. Ngoài ra, ngành sẽ chọn lọc những môn thế mạnh khác để có cách đầu tư đúng mức, phục vụ hiệu quả cho ASIAD 2019.

Trong khi đó với sự thận trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho rằng, thành tích của VN có sự tiến bộ so với trước đây nhưng mới chỉ là bước đầu. Thậm chí, người đứng đầu Tổng cục TDTT nhìn nhận, qua đại hội càng nhận thấy lực lượng VĐV trẻ xuất sắc của VN còn mỏng, mà nguyên nhân đến từ nhiều phía. Chẳng hạn như các địa phương còn gặp nhiều khó khăn ở khâu đào tạo và đầu tư cho tuyến trẻ. Và trên trung ương, kinh phí cho đào tạo trẻ cũng như tạo cho họ sức bật còn nhiều hạn chế!

Xin được nói rõ hơn về Ánh Viên. Mỗi năm, kinh phí đầu tư để Viên tập huấn tại Mỹ là 100.000 USD. Trong đó, Bộ Quốc phòng chi 40% vì Viên vẫn thuộc quân số của Trung tâm thể thao quốc phòng 4, số còn lại Tổng cục TDTT chi. Hoàng Nam được sự đầu tư cực lớn của gia đình, nhà tài trợ Becamex và nhận một phần hỗ trợ của nhà nước. Trường hợp của Quang Liêm, Tiến Minh cũng thế, gia đình chính là điểm tựa chu cấp kinh phí cộng với nỗ lực rèn luyện không ngừng của các tài năng này và sự đóng góp một phần từ nhà nước. Tương tự, VĐV điền kinh 17 tuổi Quách Thị Lan cùng 3 VĐV Thanh Hóa đang tập huấn tại Bulgaria và chuyến tập huấn kéo dài 6 tháng của Lan và đồng đội có số tiền đầu tư thuộc loại “khủng” - 4 tỉ đồng, trong đó tỉnh Thanh Hóa đã chi tới 3,4 tỉ đồng, còn lại Tổng cục TDTT chi.

 
Ánh Viên (bơi lội), Hoàng Nam (quần vợt), Anh Tuấn (cử tạ), Trúc Mai (nhảy xa) cần được đầu tư mạnh mẽ hơn để không bị mai một - Ảnh: Ngô Nguyễn

Mẫu số chung của những ví dụ trên đây nằm ở… tiền và phải nhiều tiền. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, lấy làm tiếc nuối vì trong quá khứ gần, VN không phải không có tài năng trẻ, thậm chí có thể đạt đến đỉnh cao châu Á, ví dụ như Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp của điền kinh), Nguyễn Ngọc Trường Sơn (cờ vua), Nguyễn Hữu Việt (bơi lội)… Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà họ không thể trở thành những ngôi sao châu lục. Trong đó, ngoài cách làm còn nhiều bất cập của ngành TDTT khi chỉ “đi tắt đón đầu”, chưa có những đầu tư trọng điểm mà còn làm dàn trải cùng với sự nghèo khó đã trở thành một trong những rào cản rất lớn.

Nhà nước không thể khoán trắng

Ông Vương Bích Thắng nói: “Tiềm năng của VN ở cấp độ trẻ là có tuy chưa phải thực sự dồi dào, nhưng dứt khoát phải có cách làm chặt chẽ để họ không bị mai một. Trước mắt, chúng tôi sẽ đề xuất tập trung hơn nữa nguồn lực giữa T.Ư và địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa ở một số môn. Ánh Viên là câu trả lời chính xác nhất cho chính sách đầu tư cao. Mà để có một lực lượng đầy đặn, đảm bảo thành tích về lâu dài, để có thêm nhiều Ánh Viên, Hoàng Nam hay những tài năng trẻ khác, còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: dinh dưỡng, khoa học công nghệ, trang thiết bị, chế độ đãi ngộ, điều kiện tập luyện... Từ nay đến ASIAD 2019, ngành rất mong Nhà nước, Chính phủ có sự đầu tư thích đáng”.

Ông Hồng Minh cho rằng: “Cần phải có chính sách đầu tư tập trung cho khoảng 160 - 200 VĐV tài năng của 16 - 18 môn và áp dụng chế độ đào tạo đặc biệt, bắt buộc phải có cơ chế đầu tư đúng đắn cho tài năng cất cánh. Chẳng hạn điều kiện tập luyện phải cải tiến, nhất là trang thiết bị của chúng ta quá nghèo nàn và lạc hậu, không thể tạo sức bật được nếu cứ mãi “tận dụng” mà không trang bị mới. Chương trình đầu tư trẻ cần có sự quan tâm đúng mức bằng cách tuân thủ đúng quy luật đào tạo VĐV cấp cao: hệ thống huấn luyện nhiều năm, chặt chẽ; chăm sóc đầy đủ (dinh dưỡng, y học); HLV giỏi; chịu kinh phí tốn kém. Bên cạnh đó phải có chương trình tập huấn và thi đấu khoa học với những người thầy tận tụy, giỏi nghề và sự kèm cặp của chuyên gia. Trường hợp của Ánh Viên, Hiệp hội Thể thao dưới nước đã kiên trì đầu tư, nhưng không cần thiết phải thi đấu quá nhiều như bây giờ. Phải biết lựa chọn cuộc thi nào phù hợp vì Viên mới 17 tuổi”.

HLV Trần Đức Quỳnh, người đã trực tiếp dẫn dắt Hoàng Nam đến ngôi vô địch trẻ châu Á, nhìn nhận: “Cơ chế đúng đắn nhất chính là phải có chiến lược rõ ràng cùng kinh phí dồi dào để tạo điều kiện cho tài năng được tập huấn cọ xát liên tục với những đối tượng mạnh và trong môi trường phù hợp. Kêu gọi xã hội hóa và vai trò thiết yếu của gia đình là chuyện đương nhiên, nhưng nhà nước không thể “khoán trắng” mà cần phải hỗ trợ tối đa không chỉ chuyện kinh phí mà quan trọng là những kế hoạch, lộ trình phải hết sức khả thi. Tôi lấy ví dụ việc Davis Cup bị dời đi dời lại khiến các tuyển thủ bị động trong kế hoạch tập huấn, thi đấu. Cũng vì vậy mà trong 6 tháng đầu năm 2013, Hoàng Nam gần như không tập huấn, thi đấu quốc tế. Rất may em kịp có chuyến tập huấn tại Mỹ trước khi tham dự Đại hội thể thao trẻ châu Á. Đơn vị chủ quản Becamex Bình Dương cùng bản thân tôi đã lên kế hoạch cho Hoàng Nam đến năm 2014 nhưng vẫn bị tắc cũng vì Davis Cup. Không để Hoàng Nam tham dự Davis Cup trong màu áo tuyển VN thì bị “chửi” mà phải ngồi trông chờ như thế này, người thiệt thòi chính là bản thân Hoàng Nam mà xa hơn là quần vợt VN”. 

Quý Phước và “dư chấn” tâm lý

Sự xuất sắc của Ánh Viên tại Đại hội thể thao trẻ châu Á có thể khiến dư luận thắc mắc, phải chăng Viên ngày càng tiến bộ còn một tài năng trẻ khác cũng ở môn bơi là Hoàng Quý Phước đang có dấu hiệu chựng lại? Phải chăng đang có sự mâu thuẫn nào đó giữa Hiệp hội Thể thao dưới nước VN với cơ quan chủ quản của Phước là Sở VH-TT-DL Đà Nẵng khi Phước không được dự giải thế giới vào tháng 7 vừa qua.

Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Phúc Linh cho biết: “Ngay từ đầu năm, lãnh đạo Sở đã bàn bạc với nhau và cùng thống nhất rằng sau một thời gian Phước bị sa sút, cần có những hướng đi chắc chắn hơn để Phước dần lấy lại phong độ đỉnh cao. Chúng tôi muốn Phước tập trung vào những đấu trường vừa sức và phù hợp với khả năng. Vừa rồi Phước dự Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á có ngay 3 huy chương vàng, bạc, đồng. Hiện Phước vẫn đang được chuyên gia người Úc kèm cặp rất sát và thành tích cũng có những thay đổi tích cực từng ngày. Mục tiêu chính của Phước năm nay là SEA Games 27”.

Còn ông Đinh Việt Hùng - Tổng thư ký hiệp hội nói: “Chúng tôi không phải không quan tâm với Quý Phước. Cả năm 2012, Phước gặp một số trục trặc, nhất là chuyến tập huấn ở Mỹ không như mong muốn nên để lại “dư chấn” tâm lý không tốt cho em. Hiện chúng tôi vẫn theo dõi mọi chuyển biến của Quý Phước để tiếp tục có những đầu tư sát sườn hơn dành cho em”.

Hoàng Nam sẽ du đấu 7 nước

Tối qua, tay vợt Lý Hoàng Nam đã về đến VN và được Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký LĐ Quần vợt VN (VTF) Nguyễn Quốc Kỳ ra sân bay trao thưởng của VTF và Vietravel là 2.000 USD cho anh cùng 1.000 USD cho HLV Đức Quỳnh. Ông Kỳ cho biết VTF đã mời được chuyên gia quần vợt người Úc - ông Michel Baroch, từng huấn luyện cho tay vợt nổi tiếng Sharapova, đến hỗ trợ quần vợt VN. Ông Baroch sẽ có mặt tại TP.HCM vào ngày mai 26.8 và có 3 tuần đánh giá cũng như tư vấn cho các tuyển thủ VN, đặc biệt là Lý Hoàng Nam.

Về kế hoạch sắp tới, Hoàng Nam cho biết sau khi dự Davis Cup vào tháng 9, anh sẽ du đấu hàng loạt giải trẻ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Mexico, Mỹ, Costa Rica, Venezuela để giúp nâng cao chuyên môn và tích lũy điểm nhằm góp mặt ở giải trẻ Úc mở rộng đầu năm 2014.  H.Q

 Lan Phương - Hoàng Quỳnh

>> Sự trỗi dậy của tài năng trẻ
>> Nhiều tài năng trẻ xuất hiện
>> Liverpool mua tài năng trẻ của Inter Milan
>> Quần vợt Việt Nam hiếm hoi tài năng trẻ
>> Man City ve vãn tài năng trẻ Neymar
>> Cheryl Cole tán tỉnh tài năng trẻ của môn nhảy cầu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.