Tài nguyên chảy máu - Kỳ 2: Mới cho thăm dò đã khai thác sạch

10/08/2015 09:21 GMT+7

Tình trạng khai thác trái phép đất đá để phục vụ cho các dự án, công trình ngày một phổ biến tại Huế, Đà Nẵng.

Tình trạng khai thác trái phép đất đá để phục vụ cho các dự án, công trình ngày một phổ biến tại Huế, Đà Nẵng.

Xe múc, xe ben tải khai thác đất trái phép tại khu vực núi Cảnh Dương (xã Lộc Thủy và Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế)
Xe múc, xe ben tải khai thác đất trái phép tại khu vực núi Cảnh Dương (xã Lộc Thủy và Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) - Ảnh: Đình Toàn
Năm 2014 khu vực núi Cảnh Dương (H.Phú Lộc) được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế quy hoạch thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cho phép thăm dò trên diện tích khoảng 7 ha để làm vật liệu xây dựng thông thường, phục vụ duy tu sửa chữa công trình hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm quốc phòng an ninh, trong đó có công trình QL1 và đường trục chính cảng Chân Mây.
Tuy mới được quy hoạch “thăm dò”, nhưng từ cuối năm 2014 đến nay cả một khu vực đồi núi bao gồm rừng trồng của người dân đã bị Xí nghiệp lâm nghiệp Long Phụng (đóng tại xã Lộc Sơn, H.Phú Lộc) san ủi, lấy đất để cung cấp cho việc thi công QL1 và một số công trình khác trên địa bàn H.Phú Lộc.
UBND TP.Đà Nẵng đã xử phạt DNTN Tiến Thanh 140 triệu đồng về hành vi trên. Quân khu 5 và UBND TP.Đà Nẵng cũng thống nhất cho trùng tu Miếu âm linh và giữ nguyên khu vực có mộ âm linh diện tích 2.100 m2, mở đường đi riêng để người dân vào viếng mộ, tạo điều kiện bố trí đất cho gia đình di dời mồ mả về Nghĩa trang Hòa Sơn...
Con đường ven sông Bù Lu (H.Phú Lộc) vốn yên bình và sạch đẹp đã trở thành nỗi khiếp đảm của bất cứ ai tham gia giao thông khi từng đoàn xe ben tải xuất hiện. Không chỉ rầm rập các đoàn xe chở đất để phục vụ thi công QL1 mà đất được khai thác từ khu vực núi Cảnh Dương chở đi vương vãi khắp nơi, bụi tung mù mịt.
Nói về việc này, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy Trần Văn Hữu cho biết đầu tháng 4.2015 đoàn kiểm tra liên ngành giữa BQL Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, Phòng TN-MT H.Phú Lộc, UBND xã Lộc Thủy đã lập biên bản vi phạm, đình chỉ việc khai thác khoáng sản đối với hộ dân Nguyễn Thị Xuân Hương-người đã cho Xí nghiệp lâm nghiệp Long Phụng khai thác đất. Theo tính toán, đã có hàng trăm ngàn khối đất đã được múc đi để phục vụ công trình QL1 cũng như những các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô. UBND xã Lộc Thủy cho biết Xí nghiệp lâm nghiệp Long Phụng chỉ mới xúc tiến xin cấp phép khai thác khoáng sản chính thức tại khu vực núi Cảnh Dương, nhưng đến cuối tháng 6.2015 UBND xã vẫn chưa nhận được thông tin gì về giấy phép.
Trong khi đó ghi nhận của PV Thanh Niên những ngày qua từng đoàn xe ben tải, xe múc vẫn tiếp tục cày xới núi Cảnh Dương, khoét sâu hơn mỗi ngày.
Múc mộ, bán đất kiếm lời
Vụ việc này đã từng gây xôn xao, bất bình dư luận Đà Nẵng mà báo Thanh Niên đã phản ánh.
Theo đó, Hội đồng chư phái tộc làng Nghi An (P.Hoà Phát, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) và UBND P.Hòa Phát phát hiện DNTN Tiến Thanh đã múc đất, san bằng bãi mộ trong đó có khoảng 400 ngôi mộ tại khu vực chồng lấn Nghĩa trủng Nghi An (còn gọi Gò Đồ), nơi an táng hàng ngàn nghĩa sĩ, nghĩa binh thời kháng chiến chống Pháp, dân làng.
Điều người làng Nghi An giận dữ, đó là khu vực quân sự này có cổng gác, người làng cả năm chỉ được vào viếng duy nhất 1 ngày 16 tháng Chạp (âm lịch) và phải xin giấy giới thiệu của UBND P.Hòa Phát nhưng DNTN Tiến Thanh thì tha hồ múc đất mồ mả mang đi san lấp mặt bằng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi cùng nhiều khu đô thị khác. Tại thời điểm phát hiện, có 10 ngôi mộ và hài cốt phát lộ đã được người dân đem đi cải táng.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đất múc trái phép này DNTN Tiến Thanh bán cho các đơn vị san lấp mặt bằng dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Đà Nẵng đoạn qua núi Bồ Bồ, xã Điện Tiến (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) cùng một số công trình khác tại cầu sông Yên, xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang và khu đô thị mới tại TP.Đà Nẵng.
Theo đó, doanh nghiệp mua đất tại đồi gò hiện nay từ 8-9.000 đồng/m3 (không kể loại đất mặt có giá cao hơn-khoảng 12.000 đồng/m3) và bán lại cho công trình cần san lấp với giá trên dưới 65.000 đồng/m3. Do đó với 2 ha và độ sâu trung bình 3m mà DNTN Tiến Thanh đã múc đi, doanh nghiệp này đã bán khoảng 60.000m3 đất, tương đương gần 4 tỉ đồng, gấp 4 lần giá trị hợp đồng 1 tỉ đồng đã ký, con số này sẽ chưa dừng lại nếu vụ việc không bị ngăn chặn kịp thời.
Tại cuộc họp giải quyết giữa các bên liên quan vừa qua DNTN Tiến Thanh thừa nhận hành vi nhưng phân bua, đơn vị có hợp đồng với Quân khu 5 san ủi tại cụm kho CK55 để cải tạo mặt bằng làm trường bắn, thao trường huấn luyện với giá hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, Quân khu 5 không trả tiền mà đổi bằng cách cho phép DNTN Tiến Thanh tận thu đất thừa khi cải tạo. Còn Sở TN-MT TP.Đà Nẵng xác định DNTN Tiến Thanh đã múc trộm 2 ha trên tổng cộng 28 ha đất khu vực, tuy hợp đồng với Quân khu 5 nhưng UBND TP.Đà Nẵng chưa cho phép thì vẫn là hoạt động trái phép.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.