Tài sản không hợp pháp sao đòi pháp luật bảo hộ?

22/11/2017 08:54 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên hôm qua 21.11, ĐB Nguyễn Bá Sơn cho biết ông rất tiếc bởi thời gian phát biểu tại hội trường không cho phép để nêu thêm một số nội dung liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo ông Sơn, vấn đề cốt tử trong đạo luật sửa đổi cần làm rõ lần này là kiểm soát tài sản không minh bạch và trách nhiệm chứng minh tài sản không hợp pháp của chủ sở hữu.
"Đã có một số ý kiến cho rằng, nếu truy thu tận cùng thì sẽ vênh hay xung đột với các quy định của luật khác. Tôi thì không cho là như vậy, bởi vấn đề này chưa từng đặt ra và tôi đang đề xuất để thành một nguyên tắc được thiết kế trong điều luật. Khi chúng ta đưa vào mới hình thành các thiết chế phục vụ”, ông Sơn nói.
Đối với việc giải trình nguồn gốc tài sản, ĐB Sơn cho rằng khi cán bộ đã kê khai thì đương nhiên phải chứng minh chứ không thể đòi người khác chứng minh hộ, và tài sản bất minh đó có thể bị tịch thu hoặc thực hiện đánh thuế từ 50 - 70% như một số nước đang áp dụng nhằm thu hồi tài sản cho xã hội.
“Lâu nay chúng ta quen suy nghĩ cái gì tịch thu là phạm tội hình sự nhưng thực tế tài sản bất minh thì nhiều quốc gia trên thế giới xử lý theo cách không cần phải bắt anh đi tù mới thu được tài sản. Về mặt nguyên tắc, tài sản không có nguồn gốc hình thành hay sở hữu tài sản bất minh tức không phải của anh thì nhân danh xã hội, nhà nước sẽ phải thu hồi lại. Triết lý không có gì là phức tạp. Thậm chí Hiến pháp nêu rõ nhà nước bảo hộ sở hữu tài sản hợp pháp, nếu không hợp pháp thì không được nhà nước hay pháp luật bảo hộ. Nên hiểu một cách đơn giản như thế”, ĐB Sơn cho hay.
Trao đổi với Thanh Niên bên lề kỳ họp Quốc hội hôm qua, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết ông ủng hộ những ý kiến mạnh mẽ của ĐB đối với việc truy đến cùng tài sản tham nhũng bất minh.
Tuy nhiên, đây là những vấn đề rất mới cần phải có sự cân nhắc thận trọng. Theo ông Cường, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng cơ chế tịch thu tài sản nếu quan chức không giải trình được nguồn gốc về tài sản.
Tuy nhiên cơ chế này phải thực hiện theo thủ tục rất chặt chẽ, bởi muốn nói một người có tội hay không có tội, phải theo một trình tự thủ tục tố tụng và phải do một cơ quan có thẩm quyền quyết định. “Về mặt nguyên tắc, cơ quan soạn thảo có thể thiết kế các quy định tịch thu các tài sản bất minh, song phải theo một thủ tục, trình tự chặt chẽ”, ông Cường nói .

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.