‘Ai cũng biết không đâu bằng quê hương. Nhưng ở đây, chúng tôi được trân trọng, con cháu có điều kiện học hành và thăng tiến bình đẳng’. Nhiều kiều bào nói thế. Còn bạn, nếu có điều kiện, bạn có trở về sau khi du học không?
Du học sinh Việt Nam trong một trường trung học tại Mỹ - Ảnh: Trọng Phước |
Chuyện du học sinh đi học không chịu về nước đã được không ít báo chí mổ xẻ phân tích. Cộng đồng chia thành mấy luồng ý kiến. Người phản đối cho rằng đó thái độ vô ơn, không yêu nước. Người ủng hộ thì nghĩ ở đâu cũng được, giúp ích cho nhân loại cũng là rạng danh đất nước. Người khác cho rằng đó là việc bình thường, nước nào cũng có, tùy vào những điều kiện cụ thể mà có sự lựa chọn.
Chuyện này không mới. Thậm chí còn nằm trong chiến lược thu hút nhân tài của các nước. Trước 1975, trí thức nhiều nước cũng chọn con đường ở lại Mỹ, bởi không cưỡng được những điều kiện sống và làm việc quá hấp dẫn. Người Mỹ thực dụng, họ cho rằng để đào tạo nên những nhà khoa học hàng đầu, nếu là công dân Mỹ, họ phải bỏ ra số lượng vàng tương đương cơ thể. Trả lương gấp đôi cho các nhà khoa học nước ngoài, kèm những điều kiện làm việc tốt hơn người bản xứ để giữ chân họ, nước Mỹ vẫn lời to. Vừa gia tăng đội ngũ khoa học cho nước Mỹ, vừa làm suy yếu các nước khác, đôi đường lợi. Việc này được xem là bình thường, không thấy ai trách móc. Các nhà khoa học làm việc cho Mỹ nhưng vẫn tìm cách giúp đỡ quê hương mình.
|
Tôi không trách cứ người không về. Đã đi khá nhiều nước, tiếp xúc với rất nhiều người Việt xa quê, từ già đến trẻ mới thấy những ai còn biết tiếng Việt, còn nói tiếng Việt đều đau đáu nỗi nhớ quê nhà. Tất thảy đều ẩn giấu tình yêu quê hương sâu lắng mà mà mãnh liệt. Nhiều người thú nhận với tôi rằng: “Ai cũng biết – No place like home (tạm dịch: Không đâu bằng quê hương) - nhưng ở đây, chúng tôi được trân trọng, con cháu mình không bị phân biệt đối xử, có điều kiện học hành và thăng tiến bình đẳng. Trong nước còn không muốn đi khỏi tỉnh. Chẳng ai thích tha phương lập nghiệp”. Tôi nghe mà xót xa. Lắm chuyện phi lý, bản thân mình là người trong cuộc, nhiều khi cũng không lý giải nổi nữa là người Việt ở nước ngoài.
Năm 1983, tôi xuất ngũ, chuyển ngành về lại Thành Đoàn. Một số đồng đội phía Bắc của tôi chọn con đường trốn lại Campuchia. Dù hiểm nguy chiến tranh rình rập nhưng họ vẫn mạo hiểm vì có điều kiện làm ăn và kiếm sống dễ dàng hơn khi về quê với 2 bàn tay trắng.
Năm 1987, anh Q, phó tiến sĩ, phiên dịch cho đoàn cán bộ T.Ư Đoàn tu nghiệp ở Cộng hòa Dân chủ Đức đã thật lòng tâm sự: “Về nước, vào các viện nghiên cứu, chỉ rót nước và đánh máy, chờ mấy cụ nghỉ hưu. Em không thể thế nên giao tương lai đất nước cho các bác, muốn làm gì thì làm. Phần em, xin ở lại”. Q vừa được bầu làm ủy viên ban chấp hành T.Ư Đoàn nhưng chưa một lần dự họp đã rời bỏ tổ quốc.
Trường hợp của Q không hiếm. Sau thời gian chịu đựng, nhiều trí thức trẻ chân chính, đành dứt áo ra ngoài, làm thuê cho tư nhân, cho nước ngoài. Những sự việc như vậy ngày càng lan rộng. Đáng tiếc là các cơ quan quản lý không có động thái tích cực nào để khắc phục
Năm ngoái, một tiến sĩ bác sĩ khá trẻ, thuộc lứa “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên 84” học ở Pháp về đành trả lon thượng tá, về nhà mở phòng mạch riêng và đi dạy. Em tâm sự với tôi là không chịu đựng nổi môi trường làm việc ngột ngạt và dối trá ở Viện. Ai cũng bảo em ngu, vì đường hoạn lộ thênh thang nhưng em bảo “Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Ra ngoài thảnh thơi dù hơi vất vả”.
Ở một xã hội chuộng hư danh mà vàng thau lẫn lộn thì làm người tốt cũng rất khó. Trí thức chân chính vốn nhạy cảm, rất dễ dị ứng môi trường làm việc nhiễu nhương và phức tạp. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Trước khi trách các em không về, hãy tự trách mình. Chính sách lựa chọn người đi học và đối xử với trí thức chân chính hiện nay có quá nhiều bất cập. Nếu không kịp sửa đổi, e rằng tình trạng sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
Bình luận (0)