Tại sao công ty thẻ tín dụng Mỹ khó vào thị trường Trung Quốc?

08/08/2018 08:50 GMT+7

Nhiều năm qua, Visa, Mastercard và American Express đã cố gắng để bước vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, sau hơn một thập niên nỗ lực, cơ hội đó có lẽ sẽ không thể đến với các công ty thẻ tín dụng Mỹ.

Bắc Kinh đã nhiều lần ra hiệu sẽ cho phép các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường thẻ tín dụng nội địa, và trong năm 2017, Trung Quốc đã tạo điều kiện xin giấy phép cho các hãng thẻ tín dụng của Mỹ. Tuy nhiên, những hồ sơ đó vẫn đang được chính phủ nước này xem xét mà không biết đến khi nào tiến độ sẽ được đẩy nhanh, đặc biệt khi xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ngày càng trở nên sâu sắc, theo CNN.
Trong thời gian các hãng thẻ tín dụng nước ngoài phải chờ đợi, công ty thẻ quốc doanh China UnionPay vẫn đang tiếp tục củng cố vị thế của mình tại sân nhà. Lĩnh vực thanh toán di động cũng chứng kiến đà tăng vọt và bị chi phối chủ yếu bởi các dịch vụ của Tencent và Alibaba.
“Visa và Mastercard có thể đã có một chỗ đứng nếu họ thực sự bước vào Trung Quốc cách đây 10 hoặc 15 năm. Còn bây giờ tôi cảm thấy cánh cửa này đang đóng lại với họ”, Christopher Donat, chuyên gia phân tích tại hãng dịch vụ tài chính Sandler O’Neill, nói.
Sự chật vật này cho thấy những khó khăn mà nhiều công ty phương Tây phải đối mặt khi cố gắng chen chân vào Trung Quốc. Quy định của Bắc Kinh thường không rõ ràng và trong nhiều trường hợp chính phủ nước này thường ưu tiên hỗ trợ cho các công ty trong nước nhiều hơn so với doanh nghiệp nước ngoài trong cùng ngành.
Cuộc đua thẻ tín dụng của Trung Quốc
Sở hữu một thị trường tiêu dùng đang bùng nổ và tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có, Trung Quốc chắc chắn là cơ hội lớn cho các công ty thẻ của Mỹ vốn luôn muốn sẽ thiết lập dịch vụ thanh toán tạm ứng và thanh toán các giao dịch qua thẻ nội địa bằng đồng nhân dân tệ.
Theo công ty nghiên cứu Global Data, Trung Quốc có gần 6,7 tỉ thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đang lưu hành trong năm 2017. Với đà này, quốc gia châu Á được dự đoán sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường thẻ ngân hàng lớn nhất thế giới vào năm 2019.
“Có sự tăng trưởng lớn ở Trung Quốc, và Visa, Mastercard không được phép trở thành một phần tại đó vào thời điểm này”, David Robertson, nhà xuất bản ấn phẩm thương mại Nilson Report, cho biết.
Hiện 90% thị trường thẻ của Trung Quốc chịu sự chi phối từ China UnionPay. Visa và Mastercard chỉ có thể phát hành thẻ đồng thương hiệu, thường sẽ được cung cấp khi hai công ty này liên doanh với UnionPay. Loại thẻ này sẽ chạy trên mạng lưới của UnionPay khi sử dụng trong nước cho các khoản thanh toán bằng nhân dân tệ, và trên hệ thống của công ty nước ngoài khi được dùng để thanh toán bằng đồng USD.
Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, Trung Quốc cho biết sẽ loại bỏ rào cản cho các công ty thanh toán nước ngoài trong năm 2006. Thế nhưng thời hạn đó đã đến và đi trong sự im lặng. Năm 2010, Mỹ đệ đơn kiện lên WTO vì không đồng ý với cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối xử với các công ty thẻ của Mỹ. Kết quả là Mỹ đã thắng kiện hai năm sau đó. Tuy nhiên, cho đến nay Trung Quốc vẫn tiếp tục kéo lê vấn đề, ngay cả khi Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago mùa xuân năm 2017.
Trò chơi chờ đợi
Theo CNN, Mastercard Visa và American Express đã gửi đơn kiến nghị và đang hành động theo cách riêng thông qua quá trình phê duyệt hồ sơ đăng ký. Trong số ba công ty này, American Express dường như đã đạt được bước tiến xa nhất khi hồ sơ của họ đã được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) chính thức chấp nhận. Đây được xem là bước quan trọng để có được giấy phép tạm thời.
American Express xin giấy phép bằng cách liên doanh với công ty dịch vụ thanh toán của Trung Quốc Lianlian Group. Chính quyền ông Trump đã không ít lần chỉ trích hình thức liên doanh, cho rằng Trung Quốc khiến các công ty hình thành liên doanh trong những lĩnh vực nhất định, sau đó buộc họ phải chuyển giao công nghệ cốt lõi. Được biết, Mastercard đã gửi đơn đăng ký cho PBOC và đang “chuẩn bị cho các cơ hội tiềm năng ở Trung Quốc” trong thời gian chờ đợi.
“Kể từ khi nộp hồ sơ, chúng tôi đã tham gia với giới quản lý và các bên liên quan khác về những bước cần thiết để tiến tới bước tiếp theo”, Seth Eisen, phát ngôn viên của Mastercard, nói.
Visa cũng đã nộp đơn đăng ký với PBOC và đang làm việc “chặt chẽ” với chính phủ Trung Quốc. “Chúng tôi cam kết lâu dài với thị trường Trung Quốc”, một phát ngôn viên của Visa nói với CNN.
“Chuyến tàu đã rời khỏi sân ga”
Cả ba hãng thẻ tín dụng của Mỹ đều dự kiến quá trình phê duyệt sẽ kéo dài. Tháng 9.2017, Ling Hai, chủ tịch của Mastercard tại châu Á – Thái Bình Dương, nói với các nhà đầu tư rằng Trung Quốc sẽ là cơ hội trung và dài hạn, vì quá trình cấp phép sẽ mất ít nhất từ 12 đến 18 tháng.
“Quá trình này bị trì hoãn không phải vì sự sẵn lòng đầu tư của Visa và Mastercard, mà bởi môi trường pháp lý”, Moshe Orenbuch, chuyên gia phân tích của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, cho hay.
Xung đột thương mại với Washington cũng là nguyên nhân khiến Bắc Kinh có ít động lực thúc đẩy tiến trình. Căng thẳng địa chính trị đã tạo ra môi trường không thuận lợi cho các công ty đa quốc gia ở Trung Quốc. Cuối tháng 7.2018, nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm đã buộc phải từ bỏ thương vụ mua lại hãng bán dẫn NXP Semiconductors với giá 44 tỉ USD, vì không được các nhà quản lý của Trung Quốc chấp thuận.
E rằng nếu phải chờ đợi quá lâu, thì Visa, Mastercard và American Express sẽ không thể cạnh tranh được với China UnionPay, WeChat Pay của Tencent và Alipay của Alibaba vào thời điểm này.
“Về mặt hiệu quả, có thể hiểu rằng chuyến tàu đã rời khỏi sân ga”, ông Donat của hãng dịch vụ tài chính Sandler O’Neill, nhận định.
Song, theo ông Robertson, có được một phần nhỏ trong một thị trường khổng lồ vẫn tốt hơn là không có gì. Nhưng sở thích Trung Quốc là để cho các công ty nước ngoài chờ đợi càng lâu càng tốt.
“Khi ngôi vô địch quốc gia của UnionPay được thiết lập vững chắc, thì lúc đó PBOC mới cấp phép cho Visa và Mastercard”, ông Robertson nói.
Dựa trên số liệu từ Mercator Advisory Group, các giao dịch thanh toán di động tại Trung Quốc, được dẫn đầu bởi WeChat Pay và Alipay, tổng cộng đã đạt khoảng 5,5 nghìn tỉ USD vào năm ngoái. Con số này lớn gấp 50 lần so với Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.