Tại sao đàm phán Mỹ - Trung sẽ khó đạt được mục tiêu thương lượng?

04/05/2018 11:28 GMT+7

Các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Donald Trump đã đến Bắc Kinh trong tuần này để thảo luận về cách tránh cuộc chiến thương mại tiềm năng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo CNN, nhóm các nhà đàm phán Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, hi vọng sẽ đạt được đủ những mục tiêu trong các cuộc đàm phán vào ngày 4.5 để giảm bớt căng thẳng thương mại.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có một cơ hội rất tốt để thực hiện một thỏa thuận”, ông Trump nói hồi tuần trước. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với ông Trump.
“Tôi không mong đợi sẽ có bất kỳ thương lượng lớn nào”, Michael Camunez, Giám đốc điều hành Monarch Global Strategies và cũng là cựu quan chức thương mại cấp cao của cựu Tổng thống Barack Obama, nói.
Theo ông Camunez, chính quyền ông Trump không đưa ra một quan điểm mạch lạc khi cử một nhóm các nhà đàm phán mà trong đó có cả những người ủng hộ thắt chặt thương mại như ông Lighthizer và cả những người ủng hộ thương mại tự do như ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump.
Kiểm soát kỳ vọng
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng giảm kỳ vọng đối với các cuộc đàm phán trong tuần này. Với quy mô và sự phức tạp của mối quan hệ thương mại hiện tại, “không thực tế khi mong đợi mọi vấn đề sẽ được giải quyết thông qua một cuộc đàm phán”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, cho biết hôm 2.5.
“Miễn là Mỹ chân thành trong việc duy trì ổn định tổng thể quan hệ thương mại song phương, cũng như có thái độ tôn trọng lẫn nhau, hợp tác đôi bên cùng có lợi, chúng tôi tin rằng các cuộc đàm phán sẽ đạt tính xây dựng”, bà Hoa Xuân Oánh nói.
Chính quyền ông Trump muốn Trung Quốc mua thêm hàng xuất khẩu của Mỹ với hi vọng cắt giảm mức thâm hụt khổng lồ 375 tỉ USD. Mỹ cũng gây áp lực để Bắc Kinh phải thay đổi chính sách kinh tế trợ cấp cho các công ty Trung Quốc ở cuộc chơi toàn cầu và buộc các đối thủ nước ngoài phải bàn giao công nghệ chủ chốt nếu muốn kinh doanh tại Đại lục.
Nhưng theo ông Derek Scissors, một học giả tại American Enterprise Institute, tốt nhất là Mỹ chỉ nên kỳ vọng một “món hời ngắn hạn” từ các cuộc đàm phán diễn ra trong tuần này. Điều đó có thể bao gồm việc Trung Quốc cho biết thêm chi tiết về kế hoạch mở cửa lĩnh vực ô tô và cam kết tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Ông Scissors cũng nói thêm rằng có thể “lời hứa đáng tin cậy” của Bắc Kinh trong việc mua thêm 50 tỉ USD hàng hóa của Mỹ mỗi năm sẽ là một thắng lợi cho đội ngũ đàm phán thương mại của ông Trump, nhưng ông không nghĩ nó có khả năng xảy ra.
Theo một số chuyên gia, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ gặp khó khăn trong việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa do Mỹ sản xuất. Thực tế có những mặt hàng bổ sung mà Trung Quốc không cần từ Mỹ, trong khi đó cái họ cần là các sản phẩm công nghệ cao, nhưng chính quyền ông Trump hồi tháng trước đã cấm các công ty Mỹ mua bán phần cứng, phần mềm và dịch vụ với ZTE trong vòng 7 năm. ZTE là một trong những công ty sản xuất thiết bị android lớn nhất tại Đại lục và là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ tư ở Mỹ.
Lời hứa của ông Tập là “chưa đủ”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa trong một bài phát biểu hồi tháng trước rằng Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho các công ty và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hôm 28.4, ông Trump nói cam kết của ông Tập là “chưa đủ”.
“Bắc Kinh cho thấy ý định tốt. Nhưng những gì họ đã làm là sự trì hoãn những yêu cầu mà họ cần phải đáp ứng”, Pauline Loong, người đứng đầu hãng nghiên cứu Asia Analytica tại Hồng Kông, cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.