Tại sao đàn ông là phái mạnh?

06/04/2018 20:33 GMT+7

Những khác biệt về giới tính giữa nam và nữ, cụ thể là gien di truyền, được cho là nguyên nhân dẫn đến xu hướng đàn ông thường thống trị xã hội.

Giáo sư Khoa Gien di truyền David Reich của Đại học Harvard (Mỹ) đã đưa ra một lập luận gây tranh cãi cho rằng nguồn gốc của tình trạng bất bình đẳng giới tính trong xã hội xuất phát từ thực tế đàn ông luôn có thể sản sinh nhiều hậu duệ trong đời sống hơn xa nữ giới. Điều này có nghĩa là các ông có thể dành hàng ngàn năm để thiết lập các nòi giống mạnh mẽ nhằm thao túng quyền lực, theo báo cáo đăng trên tạp chí khoa học Nautilus.
Để chứng minh cho giả thuyết trên, Giáo sư Reich đã đưa ra so sánh giữa cái gọi là Các chòm tinh tú (Star Clusters), những nhóm người có cùng một tổ tiên nếu dựa trên các mối liên hệ về ADN, và quyền lực trong các xã hội hiện đại.
Di truyền cho phép thao túng quyền lực
Sau khi phân tích ADN và quyền lực tại các xã hội trên toàn thế giới, giáo sư Mỹ cho rằng phát hiện của ông dường như đã chứng minh được tại sao thậm chí những nhân vật nữ giới đứng trên đỉnh cao quyền lực nổi tiếng nhất trong lịch sử cũng phải chật vật tranh đấu với cánh đàn ông.
“Ở người, những khác biệt sinh học rõ ràng nhất trong trường hợp hai giới đồng nghĩa với việc một người đàn ông về thể chất đủ năng lực có nhiều con hơn một phụ nữ”, Giáo sư Reich trình bày. Nữ giới mang thai 9 tháng và phải nuôi dưỡng con nhỏ trong vài năm trước khi có thêm đứa nữa. Trong khi đó, đàn ông lại có “đặc quyền” không trải qua cảnh mang nặng đẻ đau và chăm sóc con cái, cho phép họ có cơ hội “tăng năng suất”, nhất là vào thời phong kiến theo chế độ một phu đa thê như ở Trung Quốc. “Nếu xét theo khía cạnh đóng góp nhân lực cho thế hệ sau, những người đàn ông quyền lực có thể tạo ra ảnh hưởng sâu rộng hơn hẳn các phụ nữ có quyền thế, và chúng tôi xem đây là dữ liệu di truyền”, ông cho biết.
Nhóm nhỏ tác động toàn bộ dân số
Giáo sư Reich nêu trường hợp của Thành Cát Tư Hãn, người từng trị vì lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Trung Quốc đến Biển Caspi, để giải thích giả thuyết của mình. Theo ông, các hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn (1162 - 1227) đã tạo nên một xã hội để lại ảnh hưởng gien di truyền vô cùng ấn tượng khắp Á - Âu.
Một báo cáo được công bố vào năm 2003 đã lý giải tại sao một nhóm nhỏ đàn ông sống vào thời đó lại tác động đến toàn bộ dân số đang sống trên lục địa Á - Âu hiện nay, lên đến hàng tỉ người. Cuộc nghiên cứu dựa trên phân tích nhiễm sắc thể Y và kết luận rằng một nam giới sống vào thời con cháu Thành Cát Tư Hãn đã để lại hàng chục triệu hậu duệ.
“Dựa trên chứng cứ thu được, khoảng 8% số nam giới sống trên các vùng đất của đế quốc Mông Cổ từng chia sẻ một chuỗi nhiễm sắc thể Y và một nhóm các chuỗi gien tương đồng chỉ khác nhau vài đột biến gien”, Giáo sư Reich chỉ ra. Nhóm “các chòm tinh tú” còn có thể được tìm thấy ngoài phạm vi lục địa Á - Âu. Theo đó, một cuộc nghiên cứu đã chứng minh có đến 3 triệu người hiện nay là hậu duệ của cùng một cá nhân tổ tiên ở Ireland sống cách đây khoảng 1.500 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.