Tại sao hải quân Mỹ muốn loại biên 9 chiến hạm chỉ mới vài 'tuổi quân'?

Văn Khoa
Văn Khoa
12/05/2022 16:59 GMT+7

Tham mưu trưởng hải quân Mỹ Michael Gilday bảo vệ kế hoạch loại biên 9 tàu tác chiến cận bờ còn tương đối mới trong tài khóa sắp tới, dù lực lượng này đang cố gắng bắt kịp hạm đội ngày càng lớn của Trung Quốc .

Trong số 9 tàu tác chiến cận bờ hải quân Mỹ muốn cho loại biên sớm có tàu USS Indianapolis, USS Billings và USS Wichita, tất cả đều được đưa vào biên chế năm 2019, theo CNN.

Tàu tác chiến cận bờ USS Wichita

Hải quân Mỹ

Phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 11.5, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ Michael Gilday khẳng định số chiến hạm chống tàu ngầm nói trên không thể thực hiện nhiệm vụ chính của chúng. “Tôi từ chối đổ thêm tiền vào [loại tàu chiến] không thể theo dõi một tàu ngầm cao cấp trong môi trường hiện nay”, ông Gilday nói với các nghị sĩ tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, theo CNN.

Ông Gilday cho biết thêm lý do chính để loại biên sớm 9 tàu tác chiến cận bờ là hệ thống tác chiến trên tàu “không làm việc hiệu quả về mặt kỹ thuật”. Việc loại biên sớm sẽ giúp hải quân Mỹ tiết kiệm khoảng 391 triệu USD, theo ước tính trong đề xuất ngân sách của lực lượng này cho tài khóa 2023, bắt đầu từ tháng 10.2022. Tuy nhiên, số tiền tiết kiệm đó chỉ bằng một phần rất nhỏ so với chi phí đã đổ vào 9 tàu này, tổng cộng lên đến khoảng 3,2 tỉ USD.

Hồi tháng 8.2021, thăm tàu tác chiến cận bờ USS Tulsa ở Singapore, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đề cao sứ mệnh của hải quân Mỹ “hỗ trợ đảm bảo hòa bình và an ninh, tự do thương mại và tự do hàng hải”, và vai trò của loại tàu này trong việc đối phó tình trạng Trung Quốc ngày càng lấn lướt ở tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhiều tàu tác chiến cận bờ có những vấn đề như hay chết máy và bị hạn chế về vũ khí.

Những tàu tác chiến cận bờ từng được ca ngợi là khả năng răn đe của Mỹ đối với Trung Quốc vì chúng được thiết kế để hoạt động ở những vùng biển nông như Biển Đông. Tuy nhiên, việc loại biên tới 9 chiếc trong một năm như trên dường như cho thấy loại tàu tác chiến nổi đắt tiền này không đáp ứng được các kỳ vọng.

Quốc hội Mỹ có tiếng nói cuối cùng về đề xuất ngân sách quân sự và đã không ủng hộ những đề xuất loại biên tàu trước đó. Việc giảm số tàu chiến thậm chí có thể còn khó được chấp nhận hơn khi các nghị sĩ Mỹ lưu ý đến quy mô ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc và chênh lệch giữa hạm đội của Mỹ và Trung Quốc.

Trong năm 2015, hải quân Trung Quốc (PLAN) có 255 tàu tác chiến và đến cuối năm 2020, con số này tăng lên 360 chiếc, nhiều hơn hải quân Mỹ tới hơn 60 chiếc, theo CNN dẫn nghiên cứu từ Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ (ONI). ONI dự đoán trong vòng 4 năm nữa, PLAN sẽ có 400 tàu chiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.