Một nghiên cứu mới vừa được công bố trên tập san Nature Metabolism cho thấy một khi lượng đường trong máu (đường huyết) suy giảm, mọi người sẽ cảm thấy đói, dù chỉ vừa kết thúc bữa ăn vài giờ trước, theo trang tin Science Alert.
Chuyên gia dinh dưỡng Sarah Berry thuộc Đại học King's College London (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Từ lâu, người ta đã nghi ngờ lượng đường trong máu đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cơn đói, nhưng những kết quả nghiên cứu trước nay đều chưa đủ thuyết phục”.
Cụ thể, trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra phản ứng đường huyết và các chỉ số liên quan từ hơn 1.000 người tình nguyện viên đang sống tại Anh và Mỹ. Những người tham gia phải ăn theo một chế độ tiêu chuẩn kéo dài trong hai tuần, đồng thời liên tục đeo máy đo đường huyết được thiết kế để theo dõi lượng đường trong máu trong suốt quá trình nghiên cứu.
Kết quả phân tích cuối cùng cho thấy ở những người có lượng huyết bị giảm, sẽ cảm thấy thèm ăn nhiều hơn người bình thường. Ngoài ra, các bữa ăn tiếp theo của họ cũng sẽ sớm hơn khoảng nửa giờ và cuối cùng là tiêu thụ nhiều hơn những người khác khoảng 300 calo.
"Phát hiện của chúng tôi giúp mọi người hiểu rõ hơn việc đường huyết dao động diễn ra như thế nào sau các bữa ăn, từ đó có thể giúp họ lựa chọn các loại thực phẩm giữ được lượng đường trong máu ổn định hơn để no lâu hơn”, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, chuyên gia về dịch tễ học di truyền Ana Valdes của Đại học Nottingham (Anh), cho hay.
Các chuyên gia cũng gợi ý một vài loại thực phẩm lành mạnh, giúp cơ thể tránh được tình trạng thiếu hụt đường, dẫn tới đói thường xuyên, bao gồm: trái cây (chuối, xoài, táo, nho, bơ,...); ngũ cốc; các loại đậu; rau củ (cải bó xôi, bông cải xanh, cà rốt, khoai tây,...)..., theo Science Alert.
Bình luận (0)