Tại sao Nga, Ukraine tranh giành kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bỏ hoang?

Văn Khoa
Văn Khoa
25/02/2022 11:42 GMT+7

Các lực lượng Nga và Ukraine ngày 24.2 giao tranh để giành quyền kiểm soát Chernobyl, nơi từng xảy ra thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất thế giới và vẫn còn nhiễm phóng xạ, theo Reuters.

"Những người bảo vệ của chúng ta đang hy sinh mạng sống của họ để thảm kịch năm 1986 sẽ không tái diễn”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trên Twitter trước khi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị các lực lượng Nga chiếm giữ.

Một xe tăng Nga xuất hiện bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Chernobyl

Thảm họa Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nằm ở phía bắc Ukraine, xảy ra vào ngày 26.4.1986 và hiện nay nhà máy này đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, tại sao các lực lượng Nga và Ukraine lại muốn kiểm soát một nhà máy không còn hoạt động nằm giữa vùng đất đầy phóng xạ?

Câu trả lời là vì vị trí địa lý: Chernobyl nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus đến thủ đô Kiev của Ukraine và nằm dọc tuyến tấn công của các lực lượng Nga ở Ukraine, theo Reuters. Giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng bằng cách chiếm giữ Chernobyl, Nga đang sử dụng tuyến tấn công nhanh nhất từ Belarus đến Kiev. “Đó là cách nhanh nhất từ A đến B”, nhà phân tích James Acton thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) nhận định, theo Reuters.

Vì sao Nga phải chiếm nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã bỏ hoang

Ngoài ra, cựu Phó tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Jack Keane cho rằng Chernobyl "không có bất kỳ ý nghĩa nào về mặt quân sự", nhưng nó nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus đến Kiev. Ông Keane gọi tuyến đường đó là một trong 4 “trục” mà các lực lượng Nga đã dùng trong chiến dịch quân sự. Các "trục" khác gồm hướng từ Belarus, hướng về phía nam vào thành phố Kharkiv, và hướng về phía bắc từ bán đảo Crimea đến thành phố Kherson.

Một quan chức Ukraine khẳng định khu vực đã bị lực lượng Nga chiếm giữ hôm 24.2, dù một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng Washington không thể xác nhận thông tin đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.