Tại sao người Việt lại ra nước ngoài khởi nghiệp?

Vũ Thơ
Vũ Thơ
10/06/2022 16:03 GMT+7

Đó là câu hỏi của chuyên gia nêu ra tại hội thảo khoa học “ Thanh niên khởi nghiệp và pháp luật về hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp”, do Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam và Trường ĐH Luật Hà Nội tổ chức.

Ngày 10.6, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học “Thanh niên khởi nghiệp và pháp luật về hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp” do Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam và Trường ĐH Luật Hà Nội phối hợp tổ chức.

Dự hội thảo có anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; TS Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, và nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Anh Nguyễn Ngọc Lương (giữa) và lãnh đạo Trường ĐH Luật Hà Nội chủ trì hội thảo

xuân tùng

"Vướng mắc về vốn là quan trọng nhất"

Nêu ý kiến tại hội thảo, PGS - TS Vũ Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng hiện chỉ số khởi nghiệp trong thanh niên Việt Nam rất ấn tượng.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2017, cứ 100 người trưởng thành thì có 23 người đang trong giai đoạn khởi sự kinh doanh. Việt Nam cũng có nhiều chính sách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, thủ tục hành chính còn chồng lấn, phức tạp và trở thành rào cản cho thanh niên khởi nghiệp.

“Hiện tượng doanh nghiệp khởi nghiệp thành công lại ở quốc gia khác chứ không phải ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp được thành lập ở Singapore có uy tín quốc tế rồi mới về Việt Nam. Tại sao như vậy, cần nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, rào cản ở đâu? Do cơ chế chính sách hay thủ tục, cần tìm nút thắt gỡ rối”, bà Lan Anh trăn trở.

TS Vũ Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Luật Hà Nội, nêu ý kiến tại hội thảo

xuân tùng

Theo bà Lan Anh, ngoài những khó khăn về vốn thì cộng đồng khởi nghiệp chưa xác định được mô hình, còn mơ hồ, chỉ tập trung công nghệ; mô hình khởi nghiệp chưa mới mà trào lưu mang từ nước ngoài về, nên tỷ lệ thành công thấp. Bên cạnh đó, thanh niên còn thiếu kỹ năng khởi nghiệp, đặc biệt là thiếu vốn.

“Vướng mắc về vốn là quan trọng nhất. Đây là vấn đề tiên quyết, vì không có vốn thì không khởi nghiệp được. Mặc dù chính sách có ưu ái nhưng thanh niên khởi nghiệp vẫn thiếu vốn và khó khăn tiếp cận vốn”, bà Lan Anh nói

Bà Lan Anh cũng cho rằng, có 5 nguyên nhân dẫn đến thanh niên thiếu vốn khởi nghiệp, trong đó kênh hỗ trợ tài trợ công chưa nhiều; kênh vay ngân hàng khó tiếp cận; gọi vốn từ nhà đầu tư không dễ dàng vì khung pháp lý còn nhiều khó khăn...

Cần đa dạng nguồn vốn

Theo bà Lan Anh, để đáp ứng nhu cầu về vốn cho thanh niên khởi nghiệp, cần thiết có sự đa dạng nguồn vốn huy động tại Việt Nam và dễ tiếp cận với đối tượng thanh niên.

“Các quy định về gọi vốn cộng đồng cho doanh nghiệp khởi nghiệp cần được xem xét ban hành, cùng với quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm, các quy định bổ sung áp dụng riêng cho thị trường doanh nghiệp khởi nghiệp, bao gồm cả các quy định về giao dịch, thuế, phí, chế độ kế toán, kiểm toán, công bố thông tin, lưu ký, thanh toán...”, bà Lan Anh đề xuất.

TS Lan Anh trăn trở vì sao doanh nghiệp khởi nghiệp thành công lại thành lập ở nước ngoài

xuân tùng

Đồng thời, bà Lan Anh cho rằng, cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế; tăng nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ cho thanh niên làm kinh tế thuộc đối tượng vay vốn theo quy định.

Quá trình tiếp cận giữa ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần tích cực hơn, đặc biệt cần có điều kiện dễ tiếp cận đối với đối tượng thanh niên lập doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn, trình bày tham luận

xuân tùng

Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng ban Thanh niên Nông thôn T.Ư Đoàn, cũng cho biết, thời gian qua, T.Ư Đoàn có nhiều hoạt động thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp và hỗ trợ vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh thành công còn những hạn chế như: một số lượng lớn chủ dự án, ý tưởng thanh niên khởi nghiệp không đủ điều kiện về tài sản thế chấp khi thực hiện cho vay theo đề án, vì phần lớn thanh niên là người trẻ sống cùng bố mẹ, không phải là chủ hộ, cũng không có tài sản thế chấp.

"Tài sản thế chấp được định giá thấp hơn so với ngân hàng thương mại cổ phần khác, nên một số dự án khi làm thủ tục vay vốn hỗ trợ gặp nhiều khó khăn với tổng mức được vay; thanh niên khi tiếp cận các vấn đề về pháp lý, thủ tục hành chính, quy trình vay vốn còn tốn kém nhiều thời gian…", chị Vân chia sẻ.

Do luật chưa đi vào cuộc sống

Chia sẻ tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp của thanh niên rất khó khăn do nhiều trở ngại về pháp lý. Theo thạc sĩ Phạm Văn Tuyên, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, do luật chưa vào đời sống.

Thạc sĩ Phạm Văn Tuyên, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, chỉ ra những vướng mắc khi cho vay khởi nghiệp

xuân tùng

“Tôi đã đi thử vay ở các ngân hàng thương mại nhưng chả ai tiếp. Thậm chí, các ngân hàng không biết có chính sách cho thanh niên vay để khởi nghiệp”, anh Tuyên chia sẻ.

Theo anh Tuyên, mặc dù điều 18 luật Thanh niên năm 2020 quy định về tạo điều kiện ưu đãi cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp từ Quỹ quốc gia về việc làm và các tổ chức tín dụng, nhưng thời điểm hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, nên chưa có cơ sở để thực hiện quyền của thanh niên được vay khởi nghiệp từ các ngân hàng thương mại. Thực tế một số địa phương đã phối hợp Ngân hàng Chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được vay ưu đãi sản xuất nông nghiệp với mức tiền còn thấp.

Anh Tuyên cho rằng, việc chưa có văn bản hướng dẫn về điều kiện, đặc tính sản phẩm vay và trách nhiệm của các ngân hàng trong việc cho thanh niên vay khởi nghiệp dẫn tới các ngân hàng thương mại không có cơ sở triển khai. Qua khảo sát thực tế tại nhiều ngân hàng thương mại cho thấy, các ngân hàng không cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp.

“Để tháo gỡ thực trạng trên, thiết nghĩ cần có nhiều hơn thế cơ hội được quy phạm hoá cho thanh niên tiếp cận vốn khởi nghiệp, như một quyền cơ bản của thanh niên, đối với vốn chủ sở hữu và vốn vay. Giải pháp Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản quy định về việc giao các ngân hàng thương mại cho vay khởi nghiệp cho thanh niên để quy định của luật Thanh niên đi vào đời sống”, anh Tuyên đề xuất.

Lý giải tình trạng nhiều người Việt phải ra nước ngoài khởi nghiệp, luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật Inteco, cho rằng Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư cho khởi nghiệp.

Luật sư Hà Huy Phong kiến nghị những giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

xuân tùng

“Các quỹ đầu tư chỉ thích đầu tư ở nước ngoài chứ không muốn rót vốn vào các startup ở Việt Nam vì vướng nhiều thứ. Để ra được một quyết định có khi mất vài tháng”, ông Phong chia sẻ và kiến nghị Việt Nam cần có cơ chế bảo vệ những nhà đầu tư thiên thần (nhà đầu tư vào công ty khởi nghiệp) thì mới thu hút được các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ở Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Đoàn Trung Kiên cho biết,đây là hội thảo “phá vỡ kỷ lục” của nhà trường về số chuyên đề tham gia bởi đã nhận được rất nhiều đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học.

"Mỗi hội thảo của nhà trường chỉ có tối đa 20 báo cáo nhưng hội thảo này có tới 24 báo cáo được xét duyệt, in ấn trong kỷ yếu, bởi đây là vấn đề rất quan trọng hiện nay", ông Kiên nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.