Tại sao nhiều người đã tiêm vắc xin vẫn có thể bị nhiễm Covid-19?

Thiên Lan
Thiên Lan
02/09/2021 00:14 GMT+7

Khi vắc xin được tung ra vào đầu năm nay, đại dịch Covid-19 gần như được kiểm soát một cách kỳ diệu ở một số quốc gia.

Nhưng giờ đây, khi các ca nhiễm biến thể Delta đang gia tăng ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, kể cả Israel và Anh, nhiều người đã tiêm đủ vắc xin đang cảm thấy lo lắng.
Sau đây, các chuyên gia sẽ giải đáp những thắc mắc về vắc xin ở giai đoạn đại dịch mới do chủng Delta thống trị này, theo Science.

Vắc xin có chống được chủng Delta không?

“Hiệu quả của vắc xin giảm với biến chủng Delta. Điều đó là không thể chối cãi”, bác sĩ Leif Erik Sander, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin (Đức), cho biết.
Nhưng chính xác giảm bao nhiêu thì còn khác nhau giữa các nghiên cứu.
Một nghiên cứu mới đây trên người già trong viện dưỡng lão ở Mỹ đã phát hiện ra rằng vắc xin Pfizer và Moderna đã giảm hiệu quả phòng ngừa bệnh từ 75% trước khi có chủng Delta xuống còn 53% sau khi chủng Delta chiếm hơn 90% các trường hợp ở Mỹ, theo Science.
Một nghiên cứu lớn từ Anh cũng đã nhận thấy khả năng chống lại nhiễm Covid-19 có triệu chứng đã giảm xuống còn 84% đối với vắc xin Pfizer và 71% đối với vắc xin AstraZeneca, trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8.2021 khi xuất hiện biến chủng Delta.

Vắc xin Pfizer, AstraZeneca giảm hiệu lực chống biến thể Delta Covid-19 sau 3 tháng

Cũng giống như các nghiên cứu khác, họ cũng phát hiện ra, so với các biến thể cũ, trung bình những người nhiễm chủng đột phá Delta có tải lượng virus trong mũi hoặc cổ họng cao hơn nhiều, cho thấy họ có nhiều khả năng lây truyền virus sang người khác, theo Science.
Một nghiên cứu lớn ở New York (Mỹ) cũng đưa ra kết quả tương tự: Hiệu quả của 3 loại vắc xin Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson đã giảm từ 91,7% xuống còn 79,8% trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7.2021, khi xuất hiện chủng Delta.

Vậy có phải hiệu quả của vắc xin suy yếu dần?

Đã tiêm vắc xin thì có thể yên tâm là rất ít trường hợp phải nhập viện

Shutterstock

Mặc dù vẫn còn một số tranh luận, các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy biến thể Delta không có khả năng cao trong việc né tránh các kháng thể do vắc xin tạo ra.
Như vậy, có 2 lý do cho sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19 sau khi đã tiêm đủ vắc xin: khả năng lây nhiễm dữ dội của Delta hoặc sự suy yếu dần của khả năng miễn dịch do vắc xin tạo ra.
Đối với những người sống trong viện dưỡng lão, họ đều già yếu, và phản ứng với vắc xin có thể giảm nhanh hơn so với các lứa tuổi khác, và họ tiêm vắc xin đã lâu.
Nghiên cứu của Anh lại nhận thấy rằng ở các trường hợp đã tiêm đủ vắc xin, thì càng về sau càng dễ nhiễm Covid-19. Cụ thể, khả năng bảo vệ của vắc xin AstraZeneca đã giảm từ 68% vào lúc 2 tuần sau khi tiêm đủ 2 liều, xuống còn 61% khi đã quá 90 ngày.
Tỷ lệ giảm xuống còn rõ hơn đối với vắc xin Pfizer, từ 85% xuống còn 75%.
Người dẫn đầu nghiên cứu tại Anh, giáo sư Sarah Walker, chuyên về dịch tễ học tại Đại học Oxford (Anh), cho biết: “Có thể là khả năng bảo vệ của Pfizer giảm xuống từ mức rất cao ban đầu và sau đó ổn định trở lại, hoặc có thể cần đến liều thứ 3”.
Tại Israel, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người được chủng ngừa đầy đủ vắc xin Pfizer vào tháng 1 - có nguy cơ bị nhiễm Covid-19 trong tháng 6 và tháng 7 cao gấp đôi so với những người được tiêm vào tháng 4.

Mỹ bắt đầu tiêm liều vắc xin Covid-19 tăng cường từ tháng 9

Nhưng bác sĩ David Dowdy, một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), lưu ý rằng sự suy giảm khả năng bảo vệ còn có thể do các nguyên nhân khác, bao gồm thay đổi hành vi cá nhân và tốc độ lây truyền trong cộng đồng.
Bác sĩ Dowdy lưu ý rằng trong nghiên cứu ở New York, hiệu quả của vắc xin Covid-19 giảm nhiều nhất ở những người từ 18 đến 49 tuổi và ít giảm nhất ở những người trên 65 tuổi.
Điều này cho thấy sự gia tăng các hành vi rủi ro ở những người trẻ tuổi - như tụ tập đông người, cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến xu hướng này.
Ông Dowdy nói: “Hành vi của mọi người ở Mỹ đã thay đổi đáng kể, ít đeo khẩu trang hơn và tụ tập đông người nhiều hơn”.
“Khả năng là càng ngày càng tiếp xúc thường xuyên hơn và tiếp xúc nhiều người hơn cũng là một phần lý do cùng với chủng Delta hoặc khả năng miễn dịch do vắc xin tạo ra đã suy giảm”, bác sĩ Dowdy cho biết thêm.

Vắc xin có còn bảo vệ khỏi bệnh nặng không?

Dữ liệu mới nhất khẳng định bạn có thể yên tâm. Bác sĩ Sander nói: “Đã tiêm vắc xin thì có thể yên tâm là rất ít trường hợp phải nhập viện”. Ví dụ, trong nghiên cứu ở New York, có gần 95% bệnh nhân đã tiêm vắc xin không phải nhập viện.
Dữ liệu từ Bộ Y tế Israel cho thấy khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng vẫn là gần 92% đối với những người từ 50 tuổi trở xuống và 85% đối với những người trên 50 tuổi, theo Science.
Cơ quan Y tế Công cộng Anh ước tính 2 liều vắc-xin cung cấp 96% khả năng không phải nhập viện.

Bộ Y tế thúc giục tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho người đã tiêm 1 mũi đủ thời gian

Có cần tiêm mũi thứ 3 không?

Bác sĩ Sander, sau khi nghiên cứu tác động của mũi thứ 3 ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, đã khuyên nên tiêm cho người trên 60 tuổi, cho nhân viên y tế và những người tiếp xúc gần với những người có hệ miễn dịch kém.
Một nghiên cứu vào tháng 6 đã báo cáo rằng, đối với người ghép tạng, 8 trong số 24 bệnh nhân không có kháng thể sau 2 liều - đã phát sinh kháng thể sau liều thứ 3, và cả 6 bệnh nhân có lượng kháng thể thấp - đều phát triển mức cao sau khi tiêm mũi thứ 3.
Dữ liệu sơ bộ mới đây ở Israel cho thấy liều thứ 3 "hiệu quả 86%" trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh ở người từ 60 tuổi trở lên - 1 tuần sau khi tiêm mũi thứ 3.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.