Tại sao nhiều người phản đối kế hoạch trợ tử của chính phủ Pháp?

Khánh Như
Khánh Như
11/03/2024 20:11 GMT+7

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay 11.3 đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhân viên y tế và Giáo hội Công giáo về dự luật mà ông sẽ trình bày trước quốc hội, trong đó phê duyệt hình thức an tử cho một số bệnh nhân mắc bệnh nan y.

Nhà lãnh đạo Pháp đã công bố kế hoạch đệ trình dự luật thông qua cuộc phỏng vấn với báo giới. Ông nhấn mạnh chính phủ sẽ có "điều kiện nghiêm ngặt" đối với những người được phép lựa chọn hình thức trợ tử, AFP đưa tin.

Theo dự luật, chỉ những người trên 18 tuổi mới có thể yêu cầu dùng thuốc để kết thúc mạng sống, và những người muốn tham gia quy trình này sẽ phải xác nhận lại lựa chọn của mình sau 48 giờ.

Tại sao nhiều người phản đối kế hoạch trợ tử của chính phủ Pháp?- Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong buổi lễ công nhận quyền phá thai trong hiến pháp hôm 8.3

REUTERS

Sau đó, họ sẽ nhận được quyết định từ đội ngũ y tế trong vòng tối đa 2 tuần. Nếu được phê duyệt, họ sẽ được các bác sĩ cung cấp một đơn thuốc để trợ tử.

Dự thảo luật cũng sẽ mở rộng việc hỗ trợ cái chết cho những người trưởng thành "hoàn toàn có khả năng nhận thức", với điều kiện là họ phải mắc một tình trạng "không thể chữa khỏi" có khả năng gây tử vong trong "ngắn hạn hoặc trung hạn".

Những người mắc một số bệnh nhất định, chẳng hạn như bệnh thần kinh vận động, sẽ có thể chỉ định ai đó hỗ trợ việc sử dụng thuốc, hoặc nhận sự giúp đỡ từ nhân viên y tế.

Thông tin về dự luật mới được công bố chỉ vài ngày sau khi quốc hội Pháp đưa quyền phá thai vào hiến pháp. Thủ tướng Gabriel Attal viết trên mạng xã hội X rằng dự luật mới sẽ được trình lên quốc hội từ ngày 27.5.

"Cái chết không còn có thể là vấn đề cấm kỵ và phải giữ im lặng", ông Attal viết.

Tuy nhiên, một số nhóm nhân viên y tế lại bày tỏ "sự kinh ngạc, tức giận và buồn bã" trước kế hoạch này.

Trong một tuyên bố chung, các hiệp hội chăm sóc giảm nhẹ, hỗ trợ ung thư và y tá chuyên khoa cảnh báo đề xuất của ông Macron có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho mối quan hệ chăm sóc sức khỏe.

Các nhóm này cho rằng kế hoạch của chính phủ chủ yếu nhằm mục đích tiết kiệm tiền. Theo họ, nguồn lực chi cho việc chăm sóc sức khỏe tốn kém hơn nhiều so với hình thức trợ tử, đài DW đưa tin.

Trong khi đó các giám mục Công giáo của Pháp đã thẳng thừng bác bỏ dự luật.

Ông Eric de Moulins-Beaufort, người đứng đầu hội đồng giám mục, nói với báo La Croix: "Một đạo luật như thế này, bất kể mục đích của nó là gì, sẽ khiến toàn bộ hệ thống y tế của chúng ta hướng tới cái chết như một giải pháp".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.