Molly Howes, với nhiều năm kinh nghiệm làm tâm lý học lâm sàng ở Boston (Mỹ), đã chứng kiến lời xin lỗi chân thành có thể chữa lành những tổn thương trong quá khứ và cứu vãn các mối quan hệ trên bờ vực sụp đổ. Ở quy mô lớn hơn, xin lỗi trong cộng đồng và thậm chí, giữa các quốc gia đã giúp giải quyết tranh chấp và xây dựng thế giới công bằng và nhân ái hơn, theo PT.
Tuy nhiên, bà hiểu rằng dù lời xin lỗi mang sức mạnh biến đổi, nhưng nhiều người trong chúng ta không muốn nói “xin lỗi” do sợ hãi, bướng bỉnh, hay đơn giản là vì chúng ta không biết cách khắc phục hậu quả xấu mình đã gây ra.
Trong cuốn sách mới A Good Apology: Four Steps to Make Things Right (tạm dịch: Một lời xin lỗi tốt: Bốn bước để làm cho mọi thứ trở nên đúng đắn), Howes vạch ra những rào cản về nhận thức và xã hội khiến cho việc nói xin lỗi trở nên khó khăn và đưa ra các chiến lược để vượt qua chúng.
Bà chia sẻ với PT rằng, xin lỗi rất quan trọng trong các mối quan hệ của chúng ta bởi khi không dùng nó, chúng ta lãng phí nhiều thứ: lãng phí các kết nối, lãng phí cơ hội gần gũi với mọi người và lãng phí năng lượng trong sự phẫn nộ, phản công và liên tục biện minh cho hành vi của bản thân ta.
Xin lỗi là một giải pháp can đảm và khiêm tốn. Nó hiệu quả khi chúng ta rõ ràng và thực tế về những sai sót và sai lầm. Nó kêu gọi cả hai bên chấp nhận nhau, chấp nhận chính mình chứ không xấu hổ và phòng vệ nữa.
Chúng ta thường nghĩ lời xin lỗi là phần việc của người nói xin lỗi. Nhưng xin lỗi thực sự đòi hỏi nỗ lực từ cả hai phía. Nó cần sự cân bằng giữa trách nhiệm và sự chấp nhận, cần người xin lỗi từ bi với chính họ, cần lòng trắc ẩn dành cho người xin lỗi từ phía còn lại. Đây là một quá trình kép và liên tục.
Trong trường hợp không bên nào nghĩ rằng mình sai thì hãy nhớ rằng ai trong chúng ta cũng mắc sai lầm. Chúng ta biết điều này nhưng hay nghĩ rằng luật ấy “chừa” mình ra. Chúng ta chống lại cái suy nghĩ rằng lỗi là của mình. Một tay sao vỗ lên tiếng? Đôi khi thật khó để rạch ròi kẻ sai, người bắt đầu vụ tranh cãi trong mối quan hệ và cũng không nên chăm chăm vào mục đích tìm ra thủ phạm như vậy. Điều này không giúp giải quyết vấn đề, không hướng tới việc tạo thành kết nối sâu hơn. Quan trọng là chúng ta lựa chọn ra sao, xin lỗi nhau hay lãng phí cả mối quan hệ đang có, theo PT.
Bình luận (0)