Tại sao trẻ Việt Nam cứ mãi thấp còi?: Để giúp cao hơn

28/12/2023 07:00 GMT+7

Nhiều lời khuyên, cách làm từ các chuyên gia giúp trẻ ngày càng cao hơn, có thể chạm đến chiều cao trung bình của dân số khỏe mạnh trong tương lai.

Giai đoạn "vàng" để phát triển chiều cao

Theo PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, phát huy tối ưu chiều cao phải là ưu tiên của gia đình có trẻ em và trẻ vị thành niên.

Thường xuyên tập thể dục  thể thao là một trong những cách giúp tăng chiều cao Ảnh: THANH NAM

Thường xuyên tập thể dục thể thao là một trong những cách giúp tăng chiều cao

THANH NAM

Để hạn chế tình trạng thấp còi và phát huy tối ưu sự phát triển chiều cao của trẻ, bác sĩ Niên cho rằng việc chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe nói chung cần được bắt đầu ngay trong giai đoạn thai kỳ và tiếp tục sau đó phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ trong từng giai đoạn của cuộc đời. Có thể xem tất cả các giai đoạn phát triển đều có ý nghĩa trong việc tối ưu phát triển chiều cao cho trẻ.

"Trẻ em phát triển chiều cao liên tục do tác dụng của các đĩa tăng trưởng ở xương dài của tay và chân. Trong năm đầu, trẻ dài thêm 50% (khoảng 25 cm). Từ 2 - 5 tuổi, mỗi năm trẻ tăng 6 - 9 cm. Đến 10 tuổi, trẻ tăng khoảng 6 - 6,5 cm mỗi năm. Trong giai đoạn thường từ 11 - 21 tuổi, trẻ đạt 15 - 20% còn lại của chiều cao người trưởng thành", bác sĩ Niên phân tích.

Bác sĩ Đỗ Thị Trinh, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), cho rằng để tháo gỡ vấn đề này, cần nâng cao ý thức, kiến thức về dinh dưỡng khi nuôi con cho phụ huynh. Nếu được cung cấp các kiến thức bổ ích, có thể lên thực đơn dinh dưỡng theo từng độ tuổi một cách khoa học, hợp lý, cũng như nắm bắt được thể trạng của con để có sự quan tâm, tiếp cận đúng… chắc chắn sẽ góp phần cải thiện tầm vóc của trẻ.

Bác sĩ Lê Thanh Như, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), nói 5 năm đầu đời chính là giai đoạn "vàng" để trẻ phát triển. Nếu giai đoạn này, phụ huynh chú trọng nuôi con một cách khoa học, hợp lý, bổ sung những vi chất dinh dưỡng cần thiết thì sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất.

"Vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Nếu tận dụng cơ hội 2 năm đầu đời để nuôi con hợp lý, sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng, bổ sung các dưỡng chất hỗ trợ tăng trưởng chiều cao sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ, tránh tình trạng trẻ thấp còi, suy nhược cơ thể", bác sĩ Như nói.

Hạn chế những thói quen không tốt

Thạc sĩ giáo dục thể chất Nguyễn Thị Ngọc Tâm, khuyên phụ huynh nên đưa con đi tầm soát sức khỏe, từ đó có kiến thức và cách để thiết kế bữa ăn linh hoạt, phù hợp với trẻ.

Bác sĩ Lê Thanh Như nói thêm, hiện nay nhiều trẻ thích ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm có sẵn và phụ huynh hay chiều con. "Thực trạng này có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu hụt vitamin, nhưng thừa chất béo. Theo đó sẽ khiến trẻ không phát triển được chiều cao tối ưu", bác sĩ Như nói.

Theo bác sĩ Đỗ Hữu Duy, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), chiều cao của trẻ tăng trưởng nhanh ở 3 thời điểm: những năm đầu đời, tiền dậy thì và dậy thì. Sau 18 tuổi thì chiều cao vẫn có thể tăng nhưng không đáng kể.

"Đừng ép con học liên tục, phải để cho con có thời gian tăng cường tập luyện thể dục thể thao. Vì việc phát triển chiều cao tối ưu không thể thiếu luyện tập thể thao. Có thể kể một số môn giúp hỗ trợ tăng chiều cao, như: nhảy cao, nhảy dây, hít xà đơn, đu xà, bơi lội, chơi bóng rổ, đạp xe…", bác sĩ Duy lưu ý.

Bác sĩ này cũng cho rằng cần chú ý tư thế trẻ khi học tập và trong sinh hoạt. Nếu có các tư thế sai sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển chiều cao.

Nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng

PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên cho biết chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý theo từng giai đoạn của cuộc đời là nền tảng quan trọng cho sự phát triển chiều cao của trẻ, trong đó lưu ý đủ protein, đặc biệt là protein chất lượng cao, nhiều rau xanh, trái cây và sữa, sản phẩm từ sữa để cung cấp các chất dinh dưỡng vi lượng. Bên cạnh đó, vitamin D cũng là yếu tố cần thiết cho sự phát triển chiều cao. Vitamin D được tổng hợp bởi da dưới tác dụng của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời, cũng như có từ thức ăn như các loại cá hồi, cá ngừ... hoặc từ những thực phẩm được bổ sung vitamin D. Nên tránh đường, chất béo nhân tạo, chất béo bão hòa... vì dễ khiến trẻ no năng lượng, giảm ăn các chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến tăng cân và béo phì.

Theo vận động viên Nguyễn Tiến Đạt (20 tuổi, cao 1,75 m) từng đạt HCV giải bơi lặn Cúp thế giới 2022 ở Thái Lan, HCV bộ môn lặn tại SEA Games 32: "Không riêng vận động viên mà người trẻ muốn có chiều cao tốt cần phải hội tụ đủ 3 vấn đề: tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; ăn uống đầy đủ chất; ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày".

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1 (TP.HCM), cho biết để góp phần kéo giảm tỷ lệ thấp còi ở học sinh, trường đã có chủ trương khuyến khích giáo viên linh hoạt khi xếp sơ đồ lớp học, lựa chọn chỗ ngồi thoải mái, thường xuyên thay đổi vị trí sơ đồ lớp để học trò có góc nhìn mới.

Ngoài ra, trường còn đưa môn yoga vào lớp học, 30 phút đầu tập thế ngồi chỉnh cột sống, cách hít thở, 5 phút mát xa mắt, 10 phút thiền. Cách làm này áp dụng mỗi tuần/tiết. Bên cạnh đó trường chú trọng việc giáo dục thể chất, giúp học sinh phát triển chiều cao trong giai đoạn vàng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.