Đau bàn chân là tình trạng rất phổ biến ở người trung niên và người già. Tại Mỹ, các thống kê cho thấy cứ 4 người trên 45 tuổi thì có 1 người bị đau bàn chân, theo tạp chí U.S. News & World Report (Mỹ).
Bệnh tiểu đường, béo phì ở người già có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ở bàn chân hoặc khiến cơn đau chân thêm nặng |
SHUTTERSTOCK |
“Nhiều bệnh nhân nói với tôi là bàn chân của họ đau do tuổi tác và đó là điều bình thường khi chúng ta già. Điều này là không đúng vì đau là triệu chứng của vấn đề sức khỏe nào đó”, bác sĩ Martin Pressman, chuyên gia sức khỏe bàn chân tại Trường Y Yale (Mỹ), cho biết.
Trên thực tế, có một số yếu tố dẫn đến đau bàn chân mà chúng ta không thể phòng ngừa, chẳng hạn như tốc độ thay thế của tế bào chậm hơn, cơ thể giảm sản xuất collagen, lớp mỡ bảo vệ gót chân và bàn chân mỏng hơn.
Tác động của lão hóa cũng khiến da chân khô, dễ bị nứt và nhiễm trùng. Khi bước vào tuổi trung niên, dây chằng cũng dễ bị giãn, có thể gây viêm cân gan chân hay bàn chân dẹt, tức tình trạng mà vòm bàn chân không còn, khiến phần lớn lòng bàn chân tiếp xúc với sàn.
Một số bệnh như tiểu đường, béo phì cũng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe ở bàn chân hoặc khiến cơn đau chân thêm nặng. Tiểu đường ở người lớn tuổi thường dễ gây đau chân do tuần hoàn máu kém và các vấn đề về dây thần kinh.
Cân nặng cũng là yếu tố góp phần gây đau chân, nhất là ở người già. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Obesity Research & Clinical Practice phát hiện khi chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng lên thì nguy cơ đau bàn chân cũng tăng theo.
Có nhiều phương pháp giúp ngăn ngừa hoặc ít nhất là giảm mức độ nghiêm trọng của đau bàn chân. Những người có nguy cơ cao cần phải thường xuyên kiểm tra xem bàn chân có bị nứt da, trầy xước hoặc dấu hiệu nhiễm trùng nào không.
Ngoài ra, cần phần giữ vệ sinh bàn chân tốt bằng cách rửa sạch chân, lau khô và thoa kem dưỡng ẩm đến giúp da khỏe mạnh, ngăn ngừa nứt nẻ. Người lớn tuổi cũng cần giảm cân và kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, theo U.S. News & World Report.
Bình luận (0)