Tại sao vừa thừa vừa thiếu điện?

09/05/2023 06:36 GMT+7

Nắng nóng, thủy điện cạn, than cung ứng "vật vờ", nguy cơ thiếu điện đã được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cảnh báo. Thế nhưng, nguồn năng lượng tái tạo đang thừa công suất vẫn "treo", chờ cơ chế.

Những cơn mưa rào hiếm hoi đầu mùa ngay sáng hôm qua (8.5) tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã làm dịu lại tiết trời oi bức những ngày qua. Tuy nhiên, nạn hạn hán, biến đổi khí hậu vẫn đang đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu nói chung và VN nói riêng rất lớn.

Tại sao vừa thừa vừa thiếu điện? - Ảnh 1.

Nhiều dự án điện tái tạo vẫn đang chờ cơ chế

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thủy điện cạn nước, than cung ứng thiếu…

Báo cáo tình trạng nguy cấp về cung ứng điện gửi Bộ Công thương mới đây, EVN cho biết diễn biến thủy văn không thuận lợi, các hồ khu vực miền Bắc tiếp tục có nước về kém, lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm nay chỉ bằng khoảng 70 - 90% so với trung bình nhiều năm. Trong đó, có 9 hồ đã về xấp xỉ, hoặc dưới mực nước chết với tổng công suất khoảng 3.000 MW, 18 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20%. 

Trong khi đó, các dự báo cho thấy tình trạng hạn hán gia tăng khiến lưu lượng về hồ các tháng cuối năm tiếp tục có xu hướng giảm thấp. Ngày 7.5, ghi nhận của Thủy điện Trị An cho thấy mực nước theo cao trình của hồ chỉ còn lại 50,5 m, cao hơn mực nước chết chỉ 0,5 m. Công ty Thủy điện Trị An cho biết đây là mực nước thấp nhất ở hồ Thủy điện Trị An trong hàng chục năm qua.

Không chỉ thiếu nước cho phát điện, tình hình cung ứng nhiên liệu cho các nhà máy điện than, điện khí cũng gặp khó khăn. EVN cho biết giá than nhập khẩu và than trong nước tăng cao khiến các nhà máy điện càng phát điện càng lỗ nặng. Hiện khả năng cung cấp của Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc là 46 triệu tấn, thấp hơn 6 triệu tấn than cấp cho sản xuất điện năm 2023 đã được phê duyệt trước đó. 

Riêng với các nhà máy của EVN, than sản xuất điện thiếu khoảng 1,3 triệu tấn. Trong khi đó, việc mua than bổ sung ngoài nguồn cung từ 2 doanh nghiệp trên gặp nhiều khó khăn do hạn chế của thị trường và cơ sở hạ tầng tiếp nhập than. Tương tự, khả năng cấp khí trong năm 2023 từ báo cáo của Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty khí VN (PVGas) tiếp tục giảm do một số mỏ chính bước vào thời điểm suy giảm. Sản lượng dự kiến năm 2023 là 5,6 tỉ m3, thấp hơn so với năm 2022 là 1,31 tỉ m3.

Đáng lưu ý, sự cố kéo dài tại một số tổ máy thuộc nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Vũng Áng và Cẩm Phả khiến công suất tại các nhà máy này giảm, góp phần không nhỏ vào nguy cơ thiếu điện tại miền Bắc.

Tại sao vừa thừa vừa thiếu điện? - Ảnh 2.

Nhiều dự án điện tái tạo vẫn đang chờ cơ chế

ĐÀO NGỌC THẠCH

Đại diện EVN cho hay: "Để đảm bảo cung ứng đủ điện, EVN đã phải huy động các tổ máy chạy dầu từ ngày 17.4, trong đó ngày nhiều nhất đã huy động 2.498 MW chạy dầu. Đáng chú ý, trong tháng 5, 6, 7 trở đi, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia có thể tăng cao hơn so với kế hoạch. Trong tình huống cực đoan ở miền Bắc, hệ thống điện sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được sản lượng điện tăng cao, công suất phát điện có thể thiếu hụt với số ước tính từ 1.600 - 4.900MW".

Trước tình hình nguy cấp trên, EVN đã có đề nghị Bộ Công thương chủ trì tổ chức cuộc họp với EVN, PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc, đơn vị phát điện liên quan để bàn giải pháp khẩn cấp hỗ trợ EVN tháo gỡ khó khăn.

Điện tái tạo kêu cứu giải phóng công suất

Nghịch lý là trong khi nguy cơ thiếu điện rất lớn, nhưng việc huy động nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo diễn ra khá "đủng đỉnh".

Mới đây, 23 nhà đầu tư (NĐT) dự án điện mặt trời, điện gió tiếp tục gửi văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, EVN cho phép huy động tạm thời phát điện các dự án điện đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong lúc chờ đàm phán, thỏa thuận giá bán điện theo chỉ đạo của Chính phủ. Các NĐT đã đề xuất trong thời gian huy động tạm thời được áp dụng một trong các phương án: EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 90% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 của Bộ Công thương (khung giá) cho đến khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng nếu không hồi tố. Thứ hai, EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 50% giá trần của khung giá trong thời gian huy động tạm thời, có hồi tố sau khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng. Thứ ba, trong trường hợp giá thanh toán tạm thấp bằng 50% giá trần của khung giá, thời gian huy động tạm này không tính vào thời gian 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức sẽ ký giữa EVN và chủ đầu tư.

Ngày 8.5, đại diện một NĐT điện tái tạo trong số các chủ đầu tư vừa gửi kiến nghị bức xúc: "Hiện nay giá mua điện than cao hơn giá mua điện gió rất nhiều, mua điện chạy dầu diesel còn cao hơn nữa. Đến nay, các NĐT đã kiệt quệ do đầu tư nhiều vẫn chưa bán được điện. Nhưng nếu chấp nhận bán theo khung giá mới thì chúng tôi vẫn chịu lỗ rất lớn. Nhiều NĐT không thể nộp hồ sơ đàm phán là vậy. Nên giải pháp là điều chỉnh lại giá mua điện năng lượng tái tạo. Tốt nhất là trở lại giá FIT đã được cam kết trước đây. Như vậy các NĐT sẽ không bị vỡ kế hoạch tài chính".

Giám đốc một công ty điện mặt trời cho hay cho dù đã "năn nỉ" từ rất sớm được phát điện lên lưới với giá chỉ bằng 50% giá khung, cam kết không hồi tố thì đến nay vẫn chưa được phát điện lên. Chậm ngày nào, doanh nghiệp khổ ngày đó vì máy móc để lâu không vận hành, hỏng hóc. Bên cạnh đó, áp lực trả lãi vay ngân hàng quá lớn trong khi dự án đầu tư hoàn tất hơn cả năm không thu được đồng nào.

Tại sao vừa thừa vừa thiếu điện? - Ảnh 3.

Đồng quan điểm, ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc Công ty Lâm sản Sài Gòn, cũng tỏ ra sốt ruột khi giá điện đang tăng, nhưng chính sách về năng lượng tái tạo lại quá chậm.

Ông nói thêm: "Chúng tôi nhiều lần kiến nghị nhà nước cần thúc đẩy nhanh và gọn chính sách về năng lượng tái tạo, cho các doanh nghiệp có nhà xưởng, từng đầu tư lớn vào điện mặt trời theo cơ chế khuyến khích trước đây, dùng điện không hết thì phát bán cho các đối tác khác. Để vậy rất lãng phí nguồn năng lượng mà nền kinh tế đang cần".

Một ngành điện quá "bấp bênh"

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), nhận xét: Chưa bao giờ ngành điện VN lại phát triển một cách bấp bênh như hiện tại. Thiếu điện vào cao điểm mùa nắng thì năm nào cũng gặp. Tuy nhiên năm nay do sản lượng điện sản xuất ra ít hơn và nắng nóng nhiều hơn nên nguy cơ thiếu hụt lớn hơn. Về cơ bản, công suất phát điện và truyền dẫn tối đa được thiết kế ở một mức phù hợp với nhu cầu bình thường. Nếu thiết kế quá cao sẽ là lãng phí rất lớn. Chính vì vậy, vào những lúc công suất điện sử dụng cực đại, chúng ta phải chấp nhận có một số nơi bị ngắt điện tạm thời.

Cần cơ chế ổn định để khuyến khích năng lượng tái tạo

Về lâu dài, tôi cho rằng nhà nước phải có cơ chế chính sách đủ tốt và ổn định để người dân và doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển nguồn cung điện từ các mô hình hộ gia đình đến các trang trại điện gió, mặt trời quy mô lớn.

Trong thời gian qua, chính sách phát triển điện tái tạo còn "giật cục" nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý nhiều NĐT. Trước mắt, cần có chính sách hợp lý để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng hiện nay mà nhiều NĐT đang kiến nghị để bổ sung nguồn cung trong cao điểm mùa khô sắp tới. Bên cạnh đó, về lâu dài và đặc biệt trong Quy hoạch điện 8 nhà nước cần xây dựng cơ chế ổn định để khuyến khích các loại hình năng lượng tái tạo.

TS Nguyễn Duy Khiêm (Trường đại học Quy Nhơn, Bình Định)

"Nguồn điện đang đối diện nguy cơ thiếu, nhưng đang tồn tại nghịch lý là nhiều dự án điện tái tạo khắp cả nước vẫn chưa thể bổ sung nguồn. Vấn đề này tồn tại khá lâu mà chưa giải quyết được, không phải lỗi của EVN hay Bộ Công thương mà chủ yếu do cơ chế giá và chính sách của chúng ta đang vướng. Hiện tại không ai dám tháo gỡ những chỗ vướng này vì nó đụng tới chính sách, cơ chế. Tôi cho rằng sắp tới Bộ Công thương sẽ phải tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội chính sách gỡ vướng cho các dự án này để "xóa treo" sớm. Mục đích phải đáp ứng đủ cung - cầu điện của xã hội", ông Lâm chia sẻ.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cũng cho rằng để nguồn năng lượng tái tạo lãng phí thời gian dài "lỗi" lớn của chính sách chứ không phải NĐT. Sự bùng nổ của điện mặt trời từng được khen ngợi, đi tắt đón đầu năng lượng tái tạo… Nay họ trở thành nạn nhân, nói đúng hơn là bị vướng cơ chế vốn không theo kịp nhu cầu. Sự phát triển quá nóng của điện mặt trời đến nay nảy sinh nhiều hệ lụy, đẩy NĐT vào cảnh "trở đi mắc núi, trở về mắc sông".

Thế nên, theo ông, gỡ rối chính sách, bắt đầu từ việc cho phát điện càng sớm càng tốt, theo giá 50% chủ đầu tư yêu cầu, không hồi tố. Còn lại, thu xếp hoặc sửa đổi quy định thế nào để EVN tiến hành đàm phán nhanh hơn chứ vừa làm, vừa dò chính sách, vừa xin ý kiến, rồi lại bế tắc thì không biết khi nào thành công. Giải pháp tình thế lúc này là nhanh và tinh gọn.

Để giảm nguy cơ thiếu điện, theo chuyên gia Ngô Đức Lâm, chỉ có 2 cách: một là tiết kiệm và hai là bổ sung nguồn. Trong đó, bổ sung nguồn cung bằng các nhà máy điện than thì đi ngược xu hướng phát triển xanh và cam kết Net Zero. Nên chỉ có phương án bổ sung nhanh nhất là huy động từ các dự án điện tái tạo, chỉ mất từ 8 tháng đến 1 năm để đưa vào vận hành. Ông nhấn mạnh: "Quan trọng là chúng ta có sẵn nguồn, đang chờ gỡ vướng. Tại sao không làm ngay?".

Trong 6 quy hoạch điện trước đây, theo ông Lâm, mỗi quy hoạch có giá trị 5 năm và sau đó làm lại quy hoạch mới một lần. Từ Quy hoạch điện 7 (theo luật Quy hoạch điện mới) kéo dài lên đến 10 năm, từ năm 2011 - 2020, rồi sau 5 năm sẽ được điều chỉnh một lần cho phù hợp điều kiện thực tế.

Thực tế, Quy hoạch điện 8 phải được phê duyệt từ năm 2020, giai đoạn 2021 - 2030. Thế nhưng, đến nay đã giữa năm 2023 vẫn còn trình lên trình xuống, sửa đi sửa lại không dứt với sự tham gia từ cấp cao nhất là Chính phủ, đến các bộ ngành...

Ông Lâm nói thẳng: "Chậm ban hành quy hoạch mới, mọi vướng mắc cứ chậm, chờ xin ý kiến, rồi chờ… khiến ngành điện chỉ phát triển "mò mẫm" chứ chưa có định hướng rõ ràng. Đó cũng là lý do vì sao mà hiện nay tỷ lệ các loại hình năng lượng truyền thống vẫn cao hơn rất nhiều so với các loại hình năng lượng tái tạo".

Đã có 31 NĐT nộp hồ sơ đàm phán giá điện

Cập nhật đến ngày 8.5, đã có 31 NĐT nộp hồ sơ và đề nghị tham gia đàm phán với Công ty Mua bán điện thuộc EVN. EVN cho biết tất cả đang tiến hành vừa rà soát hồ sơ, vừa đàm phán. Nhiều hồ sơ chưa đủ điều kiện đàm phán hoặc tiến độ đàm phán còn rất chậm do còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở để tính toán giá điện và đàm phán.

Trước đó, EVN đã có báo cáo các vướng mắc trong quá trình đàm phán giá điện các dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp lên Bộ Công thương. Cuối tháng 4, trong chỉ đạo Công ty Mua bán điện về đàm phán dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, EVN cũng đề nghị đàm phán ưu tiên các dự án chủ đầu tư đưa ra mức giá tạm thời thấp hơn hoặc bằng 50% giá trần khung giá phát điện theo Quyết định 21 của Bộ Công thương.

Giải quyết dứt điểm kiến nghị ĐMT Trung Nam Thuận Nam

Thủ tướng đã giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu ban hành quy định làm cơ sở pháp lý để EVN tiếp nhận, quản lý và vận hành trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và hạ tầng truyền tải 500 kV, 200 kV Thuận Nam do Công ty TNHH ĐMT Trung Nam Thuận Nam (gọi tắt Công ty Trung Nam) đầu tư, xây dựng bảo đảm hiệu quả đúng quy định pháp luật. Giải quyết dứt điểm kiến nghị có cơ sở của Công ty Trung Nam, khẩn trương đưa vào khai thác phần công suất 172 MW tại Nhà máy ĐMT 450 MW của công ty, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thực hiện đúng cam kết hợp đồng mua bán điện giữa các bên. Đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo EVN khẩn trương hoàn thành việc xác định giá mua điện đối với nhà máy ĐMT, điện gió chuyển tiếp nói chung và Nhà máy ĐMT 450 MW nói riêng theo quy định và hướng dẫn của Bộ Công thương, làm cơ sở cho việc huy động, khai thác nguồn năng lượng tái tạo đã được sản xuất…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.