Lo thiếu điện mùa nắng nóng, vì sao EVN chưa mua thêm điện gió, điện mặt trời?

08/05/2023 20:57 GMT+7

Nhiều chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp khẳng định đã hoàn thành xây dựng, đủ điều kiện phát điện nhưng phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa đẩy nhanh đàm phán mua điện từ các dự án này dù lo lắng thiếu điện trong mùa nắng nóng năm nay.

Bất đồng trong giá mua điện

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đến ngày 5.5, Công ty Mua bán điện (EPTC), thuộc EVN đã tiếp nhận 31 hồ sơ dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia đàm phán hợp đồng mua bán điện. Nhưng việc đàm phán vẫn chưa thể khai thông, do các bên chưa thống nhất được giá.

Lo thiếu điện mùa nắng nóng, vì sao EVN chưa mua thêm điện gió, điện mặt trời? - Ảnh 1.

Để được huy động điện, các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật tại Thông tư 15 của Bộ Công thương

ĐỘC LẬP

Căn cứ theo Văn bản số 465/ĐTĐL-GP ngày 19.4 của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) về đề xuất mức giá tạm thời của một số chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ngày 26.4, EVN gửi văn bản cho EPTC xem xét mức giá tạm thời ≤ 50% giá trần khung giá phát điện của Quyết định 21.

Theo đó, giá tạm cho nhà máy điện mặt trời mặt đất là 592,45 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi là 754,13 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền là 793,56 đồng/kWh; nhà máy điện gió trên biển là 907,97 đồng/kWh.

EVN yêu cầu EPTC khẩn trương đàm phán, thống nhất mức giá tạm thời cho đến khi hai bên thoả thuận được mức giá điện chính thức, không thực hiện hồi tố, ký biên bản, ký tắt dự thảo hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện hiện hữu.

Nhưng mức giá EVN đưa ra không nhận được sự đồng tình từ các nhà đầu tư. Theo chia sẻ của một nhà đầu tư, cụ thể với một dự án điện gió trên bờ đã vận hành trong năm 2022 quy mô công suất 50 MW. Chi phí đầu tư ước tính khoảng 2.000 tỉ với cấu trúc vốn vay 70% kèm lãi suất hiện tại khoảng 14%/năm, sản lượng trung bình ghi nhận xấp xỉ 140 GWh tương đương hệ số công suất 32%. Nếu áp dụng giá tạm đề xuất bằng tối đa 50% giá trần, doanh thu chưa đạt tới 112 tỉ đồng, chắc chắn không thể đủ dòng tiền chi trả chi phí vận hành tuabin cho nhà cung cấp khoảng 30 tỉ đồng (50.000 - 100.000 USD/tuabin) và lãi vay phát sinh gần 200 tỉ đồng.

Theo đó, nếu EVN không có cơ chế hồi tố, chưa tính tới các chi phí vận hành ngoài thiết bị tuabin (như trạm biến áp, móng tuabin…) thì bất kỳ nhà đầu tư nào chấp nhận giá phát tạm chắc chắn sẽ phải chấp nhận lỗ chi phí vận hành, lỗ chi phí khấu hao, đồng thời phải tìm kiếm nguồn vốn khác bù dòng tiền hao hụt tối thiểu hơn 118 tỉ đồng/năm và không thể trả nợ gốc cho ngân hàng.

Chính vì thế, các nhà đầu tư rất khó đồng ý với phương án giá EVN đưa ra, đặc biệt chưa kể đến động lực để đàm phán tiếp hợp đồng mua bán điện dài hạn từ EVN vì nhiệm vụ giải quyết khâu phát điện cho các nhà máy chuyển tiếp coi như hoàn thành và còn được mua điện với giá siêu rẻ. Khi đó, thời gian đàm phán hợp đồng càng dài, bên mua càng có lợi trong khi bên bán sẽ càng kiệt quệ.

Liên quan đến khung giá EVN đưa ra, ngày 28.4 vừa qua, 23 nhà đầu tư đã gửi văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp với Bộ Công thương, EVN, các bộ, ngành liên quan và các nhà đầu tư để thống nhất giải pháp huy động cũng như giá mua điện trong thời gian huy động tạm thời.

Chỉ huy động điện từ dự án tuân thủ pháp luật

Thông tin cho Thanh Niên, một cán bộ công tác tại EVN cho biết, phía lãnh đạo EPTC khẳng định luôn hỗ trợ tối đa các chủ đầu tư nhằm hoàn thiện hồ sơ dự án đảm bảo theo đúng quy định, đồng thời quá trình làm việc, đàm phán giữa bên mua điện và bán điện được diễn ra khẩn trương nhất có thể. EPTC sẵn sàng làm việc kể cả vào ngày nghỉ để đẩy nhanh tiến độ đàm phán.

Tuy nhiên, ngoài vướng mắc về giá mua điện tạm thời có hồi tố hay không hồi tố thì vướng mắc lớn nhất của các dự án chuyển tiếp hiện nay là vấn đề pháp lý. Trong số 31 hồ sơ đã tiếp nhận thì hầu hết là chưa hoàn thiện, thiếu các thủ tục khác nhau, trong đó khó khăn, vướng mắc nhiều nhất liên quan đến đất đai để thực hiện dự án.

"Kể cả trong trường hợp giá mua điện được thống nhất thì với các vấn đề pháp lý hiện nay nếu chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật thì rất khó huy động điện từ các dự án này vì như thế không khác gì tiếp tay, hợp tác hóa vi phạm", vị cán bộ EVN nói.

Cũng trong văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ trong ngày 28.4, 23 nhà đầu tư kiến nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương sớm ban hành các quy định hướng dẫn theo thẩm quyền làm cơ sở pháp lý cho EVN và chủ đầu tư đàm phán đối với các dự án chuyển tiếp.

Nhưng trao đổi với Thanh Niên chiều 8.5, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, khẳng định khung giá của các dự án chuyển tiếp được thực hiện theo Quyết định 21. EVN và các chủ đầu tư căn cứ vào từng dự án để rà soát cụ thể về cấu thành kinh phí, mức giá hợp lý, hợp lệ... để tính ra giá mua điện nhưng sẽ mất nhiều thời gian.

Theo báo cáo của EVN, phần lớn chủ đầu tư chưa cung cấp được đủ hồ sơ để chứng minh các chi phí thì hai bên thỏa thuận trong thời gian đàm phán các doanh nghiệp thống nhất giá tạm thời là 50% là phù hợp quy định của pháp luật, không vượt quá khung.

Ông Hòa khẳng định, Quyết định 21 đã đầy đủ cơ sở pháp lý và kỹ thuật để các doanh nghiệp đàm phán đối với giá dự án chuyển tiếp, Bộ Công thương sẽ không có hướng dẫn thêm và đang xây dựng khung giá cho các dự án mới.

"Điều kiện tiên quyết để các dự án chuyển tiếp được huy động điện là phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật quy định trong Thông tư 15 của Bộ Công thương. Các chủ đầu tư nói là đủ điều kiện vận hành phát điện nhưng thực tế thì chưa nộp đủ hồ sơ hoặc chưa chứng minh được dự án tuân thủ các điều kiện, quy định của pháp luật", ông Hòa nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.