Mở sọ nhiều nhất là tai nạn giao thông
Hộp sọ bao gồm vòm sọ và sàn sọ. Hộp sọ giống như bức tường bảo vệ não, giữ cho não tránh bị tác động bởi các tác nhân bên ngoài. Chính vì thế, khi hộp sọ bị tổn thương cũng giống như bức tường bị đổ cần thiết phải tái tạo để đảm bảo an toàn cho não.
Một bệnh nhân nam (30 tuổi) bị tụ máu do chấn thương đầu nhập Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), các bác sĩ đã tiến hành mở sọ cất vào ngân hàng mô và 2 tháng sau bệnh nhân được tái tạo sọ tự thân. Tại BV Chợ Rẫy còn có trường hợp khác, ông H. (55 tuổi) bị tai nạn giao thông và bị vỡ sọ nhập viện. Ông H. cũng phải trải qua phẫu thuật mở sọ nhưng phần sọ vỡ phải tái tạo bằng xi măng.
|
Theo các bác sĩ của BV này, mở hộp sọ là chỉ định nhằm giải ép vì phần não phù sẽ ép lên phần não lành khiến máu không thể lên nuôi não sẽ gây tổn thương não nhiều, nặng hơn. Các trường hợp chấn thương sọ não bị mất sọ hoặc hư sọ, chấn thương máu tụ cần bỏ một phần sọ ra ngoài để não bớt phù. Não phù giống như hiện tượng cơm sôi, buộc phải bỏ nắp ra để cơm cạn thì hộp sọ cũng hệt như vậy. Các tổn thương não phải tiến hành phẫu thuật mở sọ tạm thời phổ biến nhất là máu tụ dưới màng cứng cấp tính, máu tụ trong não, sau đó là dập não, máu tụ ngoài màng cứng, viêm não. Bệnh nhân thường ở độ tuổi từ 16 đến 55. Nguyên nhân của các tổn thương não trên chủ yếu do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sinh hoạt, đánh nhau. Cũng có trường hợp do cao huyết áp, vỡ dị dạng. Tình trạng chấn thương sọ não do tai nạn giao thông là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến khuyết sọ và số bệnh nhân này không ngừng tăng lên. Nguyên nhân do tai nạn giao thông chiếm đến 85% các trường hợp phẫu thuật mở sọ.
2 dạng tái tạo
Khi hộp sọ bị tổn thương gây ra triệu chứng khuyết sọ làm bệnh nhân bị đau đầu, giảm trí nhớ, chóng mặt, mất tập trung, ức chế tâm lý. Ngoài ra, não dễ bị tổn thương đặc biệt khi môi trường bên ngoài tác động như nhiệt độ, áp suất... Trường hợp nặng của khuyết sọ là bệnh nhân có hiện tượng tri giác giảm, rối loạn tâm thần, yếu liệt nửa người, động kinh... Những hiện tượng này sẽ dần hết sau khi hộp sọ được tái tạo.
Có 2 dạng tái tạo hộp sọ: tái tạo sọ tự thân và tái tạo dị chất. Đối với tái tạo sọ tự thân, bác sĩ sẽ sử dụng mảnh ghép bằng xương sọ tại chỗ được lấy ra để giải ép cho não và được bảo quản lạnh sâu ở ngân hàng mô. Đây là phương pháp được sử dụng nhiều, đem lại kết quả khả quan cho bệnh nhân, thường sau 6 tháng sọ của bệnh nhân sẽ liền lại. Còn tái tạo sọ dị chất như xi măng, tantalum, tổ hợp carbon... áp dụng cho những bệnh nhân bị bể sọ hay chấn thương bị văng sọ phải lấy vật liệu khác thì tùy mức độ, khả năng của bệnh nhân
Thời gian phẫu thuật tạo hình hộp sọ tùy thuộc sự tăng áp lực của từng bệnh nhân, nhưng theo các bác sĩ, đối với các thương tổn phức tạp nên chờ 3 đến 6 tháng sau khi mở sọ giải ép mới có thể ráp lại và ít nhất 1 năm với các vết thương nhiễm trùng, vết thương não.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân khi chưa được tái tạo hộp sọ cần tránh để đầu bị chấn thương thêm, tránh thay đổi môi trường đột ngột như ra nắng, vào nơi lạnh quá khi chưa lắp sọ. Với nhóm nguy cơ cao như người bị cao huyết áp, tiểu đường cũng cần phải chú ý theo dõi sức khỏe tốt.
Hà Minh
>> Phát hiện người đàn ông bị chết do nứt hộp sọ
>> Nguyên mẫu hộp sọ người ngoài hành tinh
>> Cứu chữa người bị đạn xuyên thủng hộp sọ
Bình luận (0)