Hai lần “đoạn ngực” để được sống
Bệnh nhân N.C.T (75 tuổi, TP.HCM), đã từng 2 lần trải qua ca đại phẫu “đoạn nhũ” với hàng loạt vết sẹo chằng chịt trên người. Năm 2004, bà đau đớn khi phát hiện khối u cư trú trong ngực phải, buộc phải “đoạn nhũ” để giữ lại mạng sống. Cứ tưởng cuộc đời đã êm ái, nhưng chẳng ai ngờ 10 năm sau lại phát hiện khối u ngực trái, và phải tiếp tục trải qua nỗi đau cắt bỏ hoàn toàn bên ngực còn lại của mình.
Theo bà T., sau phẫu thuật “đoạn nhũ”, bà không chỉ bị cắt bỏ đi một phần cơ thể, mà còn chấp nhận mất đi niềm tự hào của một người phụ nữ. Đây là nỗi đau về thể xác và tinh thần với bệnh nhân ung thư vú.
“Cứ mỗi lần ra ngoài là tôi phải mang những túi độn ngực lỉnh kỉnh, rất nhiều lần ngực giả bị rớt... mà không gắn gì vào ngực thì thật sự mặc đồ chẳng giống ai, cứ đi ra ngoài là một cực hình suy nghĩ về chiếc áo ngực, mặc gì đây…”, bà T. chia sẻ.
Quá đau đớn và mặc cảm, sau hơn 10 năm, bà quyết định một lần nữa phải sống với cơ thể của một người phụ nữ hoàn chỉnh dù có nhiều ý kiến ngăn cản.
Mang lại hạnh phúc cho người bệnh sau điều trị ung thư vú
Ngày 8.4, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Tổng giám đốc Bệnh viện JW, cho biết qua thăm khám cho thấy vòng 1 của bệnh nhân bị biến dạng teo tóp, vết sẹo lớn lên đến gần 30 cm bắt chéo hai ngực, da nhăn nhúm và phẳng lì. Ca phẫu thuật được đánh giá là có nhiều khó khăn vì bên cạnh cấu trúc ngực khó, bệnh nhân còn mang nhiều bệnh lý nội khoa nguy hiểm như hở van tim 2 lá, nhiều bệnh về tim mạch khác… Tuy nhiên sau khi lắng nghe tâm sự, những nỗi đau mà một bệnh nhân ung thư vú trải qua, ê kíp quyết định nỗ lực giúp bệnh nhân.
Bác sĩ Tú Dung đã hội chẩn cùng Trưởng khoa Gây mê Hồi sức (Bệnh viện JW) để tìm ra phương pháp mổ thực sự đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Giữa nhiều phương pháp tái tạo ngực như chuyển vạc cơ lưng, vạc cơ bụng, đặt túi nước biển giãn da,... bác sĩ Tú Dung cho biết sẽ tái tạo ngực cho bệnh nhân bằng phương pháp đặt túi kết hợp với cấy mỡ ngực. Do da bệnh nhân khá mỏng, nên tránh đặt túi quá to vì dễ gây tình trạng lộ túi. Việc cấy thêm một lớp mỡ phía trên cũng giúp kết quả mềm mại và tự nhiên hơn.
Suốt 5 giờ đồng hồ, ê kíp cùng nhau nỗ lực để thực hiện ca đại phẫu với hy vọng giúp bệnh nhân không chỉ là tìm lại một phần cơ thể bị đánh mất, mà còn là mang lại niềm hạnh phúc vốn có của người phụ nữ.
Ca phẫu thuật thành công, bà T. cho biết rất vui mừng khi thấy bầu ngực được tái tạo sau nhiều năm mong đợi.
Theo bác sĩ Tú Dung, tái tạo ngực là phẫu thuật tạo lại hình dạng vú bình thường cho phụ nữ, giúp phục hồi vòng 1. Tuy nhiên đây là một đại phẫu, phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình, tại những bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình, được các cơ quan chức năng cấp phép.
Nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân, bác sĩ Dung cho biết sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ dự án “Tái tạo ngực cho bệnh nhân ung thư vú" để không chỉ những bệnh nhân có điều kiện mà những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tái tạo ngực. Trong dự án cộng đồng này những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được phẫu thuật miễn phí 100%.
Bình luận (0)