Các loài chim này được các tổ chức, cá nhân bàn giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chăm sóc và được thả lại tự nhiên theo quy định của pháp luật. Đợt tái thả lần này gồm 74 con chim thuộc 12 loài phân bố tự nhiên trong khu vực, trong đó có 7 loài thuộc Nhóm IIB theo danh mục thực vật và động vật rừng nguy cấp, quý hiếm của Chính phủ. Các loài này gồm khướu bạc má (pterorhinus chinensis), kim oanh tai bạc (leiothrix argentauris), khướu đuôi đỏ (trochalopteron milnei), khướu mặt đỏ (liocichla ripponi), khướu tai bạc (trochalopteron melanostigma) và diều hâu (milvus migrans).
Hoạt động tái thả động vật hoang dã này là một phần của các quy định pháp luật về lâm nghiệp và đa dạng sinh học, thể hiện nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ động vật hoang dã. Đây cũng là cơ hội để VQG Tam Đảo giám sát đa dạng sinh học và lồng ghép hoạt động giáo dục môi trường, đặc biệt cho học sinh tiểu học.
VQG Tam Đảo tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã trong sinh cảnh tự nhiên, nhằm gìn giữ nguồn tài nguyên rừng quý báu cho các thế hệ tương lai của Việt Nam.
VQG Tam Đảo có diện tích 32.761,1 ha nằm trên địa phận ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, và Tuyên Quang. Khu vực này có khoảng 26.163 ha rừng tự nhiên mưa ẩm thường xanh, chiếm 70% tổng diện tích của vườn. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều kiểu rừng khác như rừng kín thường xanh á nhiệt đới, rừng lùn trên đỉnh núi, rừng hỗn giao, rừng phục hồi, rừng trồng, trảng cây bụi và trảng cỏ. VQG này là nơi sinh sống của 1.247 loài thực vật thuộc 660 chi và 169 họ thực vật bậc cao có mạch, cùng với 1.299 loài động vật, bao gồm 93 loài thú, 332 loài chim, 136 loài bò sát, 62 loài ếch nhái, 651 loài côn trùng và 25 loài cá.
Bình luận (0)