Chiều qua 5.3, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị về bảo tồn văn hóa vì sự phát triển bền vững do UNESCO tại Việt Nam tổ chức.
Đại biểu tới khách sạn Sofitel Metropole dự hội nghị do UNESCO tại Việt Nam tổ chức đều hài lòng với nét văn hóa ở đây. Gốm hoa lam thảnh thơi trên những chiếc bàn giả cổ, những bức hình tư liệu đen trắng, cuốn sổ ghi chép có tên viết tắt của doanh nghiệp (DN), cùng hàng chữ bằng tiếng Pháp có nghĩa “ra đời từ năm 1901”. Những đóng góp bảo tồn di sản của khách sạn là lý do UNESCO chọn đơn vị này làm đại diện cộng đồng DN tài trợ văn hóa, cũng như chọn đây làm nơi tổ chức hội nghị.
|
“Phát triển kinh tế - xã hội tạo ra thách thức với sự bền vững, mặt khác cũng có thể tạo ra nguồn lực mới cho bảo tồn và phát triển văn hóa”, bà Muller-Marin - đại diện UNESCO tại Việt Nam nói. “Khu vực tư nhân gồm các quỹ, các loại hình DN thuộc các ngành và các địa phương, các nhà đầu tư, các hội DN và nghề nghiệp đã tiên phong trong việc tìm kiếm và triển khai các hỗ trợ sáng tạo”.
“Dù ở nước công nghiệp phát triển nhất thì xây dựng thói quen, nền nếp hợp tác giữa nhà kinh tế và văn hóa cũng là vấn đề sống còn. Việt Nam cũng không thể ngoại lệ”, PGS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nói.
Trải nghiệm của ông Huy trong những ngày lãnh đạo bảo tàng là việc kinh phí của nhà nước vốn chỉ đủ để duy trì hoạt động và không thể đủ để phát triển. Do đó, không chỉ riêng bảo tàng của ông, các bảo tàng khác cũng đều phải tự thân vận động để tìm kiếm thêm các tài trợ từ khối tư nhân.
“Thời gian đầu chúng tôi dựa chủ yếu vào các tài trợ bên ngoài. Đó là những tài trợ của quỹ Ford, quỹ Rockefeller và quỹ Japan”, ông cho biết. “Nhưng đến một lúc nào đó, chúng tôi nhận thấy mình không thể chỉ nhìn vào tài trợ nước ngoài. Lý do đơn giản nhất là nước ta đã vượt qua ngưỡng nghèo rồi. Sau đó chúng tôi quyết định tìm và lôi kéo tài trợ từ trong nước”.
Từ nhiều năm nay, một DN viễn thông quân đội đã tài trợ các hoạt động cho trẻ em vào tết Trung thu, tết Nguyên đán tại Bảo tàng Dân tộc học. Còn Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam của ông Huy cũng nhận được tài trợ từ một DN trong lĩnh vực y tế.
Bà Muller-Marin cho rằng: “Hợp tác với khu vực tư nhân để bảo tồn và phát huy văn hóa không còn là một lựa chọn nữa. Nó đã là một tất yếu”.
Chính sách và “trình độ” tài trợ
“Có ba hình thức chúng ta có thể áp dụng để kết nối khu vực DN tư nhân tài trợ cho phát triển văn hóa. Thứ nhất, thành lập quỹ phát triển văn hóa. Việc tài trợ văn hóa sẽ do hội đồng của quỹ quyết định. Thứ hai, DN ủy thác cho các tổ chức phi chính phủ, đầu tư văn hóa qua các quỹ này. Thứ ba, tư nhân trực tiếp tài trợ cho hoạt động văn hóa”, ông Huy nói.
Mặc dù vậy, muốn các DN thực sự mặn mà với tài trợ văn hóa, theo ông Huy, cũng nên có những chính sách thích hợp. Giảm thuế cho các DN tài trợ văn hóa là điều nhiều nước trên thế giới đã làm.
Tuy nhiên, “các nhà tài trợ nhiều khi muốn can thiệp quá thô bạo vào văn hóa. Chẳng hạn, khi tài trợ cho các di sản vật thể, họ thường đưa ra yêu cầu sửa chữa di tích đó sẽ phải thế này hay thế khác. Trong khi yêu cầu của họ chưa chắc đã đúng về mặt văn hóa”, ông Huy nói.
Chính vì thế, trong số ba phương thức tài trợ văn hóa, cách thứ ba có tính bền vững kém nhất. “Chính vì thế, việc tham gia tư vấn của các tổ chức phi chính phủ về nghề nghiệp vô cùng quan trọng”, TS Lê Thị Minh Lý - nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa nói.
“Chúng ta phải giúp DN làm quen với các nguyên tắc tài trợ, quy tắc tài trợ. Rộng hơn, cả xã hội phải học để biết cách làm tài trợ, trở thành nhà tài trợ văn hóa. Và đương nhiên, không chỉ có các DN tư nhân, các DN nhà nước cũng nên sớm tham gia vào việc này”, ông Huy kết luận.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)