Sau vụ tài xế đốt lửa để vượt trạm cân rạng sáng 23.4 gây ách tắc QL1, hôm qua, theo lời Trạm trưởng trạm cân Bình Thuận Nguyễn Thanh Long, trạm cân Bình Thuận đã “yên ổn” và xử phạt được 16 xe quá tải. Nhưng tại Kon Tum, giới tài xế xe quá tải lại bỏ xe đi nhậu, đánh bài trêu tức lực lượng chức năng.
|
Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận Phạm Văn Nam cho biết, để tránh tình trạng tài xế xe tải “ăn vạ” hoặc gây rối ngay trước trạm cân, Sở đã chỉ đạo trạm cân phối hợp CSGT và thanh tra giao thông (TTGT) đi về hai đầu tuần tra. Nếu gặp xe quá tải cố tình đậu đỗ không lý do sẽ “dắt” về trạm để cân xe. Đại tá Nguyễn Văn Minh - Phó giám đốc Công an Bình Thuận khẳng định, bất cứ khi nào, công an tỉnh sẽ điều ngay lực lượng hỗ trợ trạm cân, quyết không để xảy ra tình trạng gây mất trật tự tại nơi đặt trạm cân. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cũng cho biết, đã chỉ đạo công an tỉnh và Sở GTVT phải tăng cường lực lượng cho trạm cân nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát xe quá khổ, quá tải theo chỉ đạo của Chính phủ. “Trong bất kỳ tình huống nào cũng phải xử lý nghiêm tình trạng gây mất trật tự, cản trở người thi hành công vụ ở trạm cân. Hơn nữa, khu vực có trạm cân hiện nay đang thi công QL1, dễ gây ách tắc giao thông. UBND tỉnh sẽ di dời trạm cân đến một địa điểm khác thuận lợi hơn đã được phê duyệt” - ông Phương nói.
|
Đánh bài, uống rượu khiêu khích lực lượng chức năng
Trạm cân Bình Thuận vừa kịp yên trở lại thì từ chiều đến khuya ngày 23.4 tại Kon Tum, hàng chục xe tải chở cát, mì đã xếp thành hàng dài khoảng 300 m trên đường Hồ Chí Minh thuộc P.Lê Lợi (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) để cố tình không vào trạm cân lưu động trước cổng Xí nghiệp may Kon Tum. Các lái xe thì đóng cửa xe, ra ngoài ngồi tụm năm tụm ba, nhóm thì đánh bài, nhóm thì uống rượu cố tình trêu ngươi lực lượng chức năng, không đưa xe vào kiểm tra tải trọng. Chánh thanh tra Sở GTVT Kon Tum, ông Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, đến 2 giờ sáng 24.4, khoảng 14 xe tải biết không qua trạm cân được nên quay về TP.Kon Tum. Còn 6 xe tải thì liều mạng vượt qua trạm cân chạy trốn. TTGT phải phục cả ngày 24.4, đã tạm giữ được một xe tải 81M-2739 vượt trạm cân hồi đêm để xử lý. Nhưng đến 10 giờ sáng hôm qua, một xe đầu kéo chở gỗ biển số 81R-0379 đi ngang nhưng không vào trạm cân lưu động trong sự bất lực của các thanh tra viên.
Tại Bình Dương, giới tài xế xe quá tải lại áp dụng một chiêu mới để lách trạm cân, đó là hạ đúng tải rồi quay lại kho xếp hàng... quá tải đi tiếp. Khoảng 16 giờ ngày 24.4, xe ô tô tải biển số 70K-5905 do tài xế Trần Văn Hiếu điều khiển chở mì lát từ Tây Ninh về Đồng Nai. Khi xe vào trạm cân trên QL13, lực lượng chức năng tiến hành cân xe, phát hiện xe 70K-5905 chở quá tải trên 8 tấn tương ứng với 73,9%. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt số tiền trên 12 triệu đồng và buộc phải hạ tải. Sau đó, tài xế cho xe chạy ngược lại cách trạm cân chừng 1 km ghé vào một kho hàng trên QL13 để hạ tải. Khoảng 1 giờ sau, chiếc xe 70K-5905 quay lại trạm cân để kiểm tra lại thì trọng tải của xe còn đúng 11 tấn nên lực lượng chức năng cho xe tiếp tục lưu thông. Tuy nhiên, chiếc xe này không đi thẳng về hướng TP.HCM như ban đầu mà quay ngược trở lại kho và chất toàn bộ số hàng lên rồi chạy ngược về hướng đường ĐT743 để ra ngã ba Tân Vạn (giáp với TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Trả lời câu hỏi của PV về tình trạng xe quá tải né trạm cân bằng nhiều hình thức, đặc biệt như trường hợp ô tô tải 70K-5905, ông Nguyễn Đỗ Vũ - Chánh thanh tra giao thông tỉnh Bình Dương cho rằng: “Ở các tuyến đường ĐT743, QL1K đã có lực lượng TTGT phối hợp với CSGT để xử lý xe vi phạm”.
Kiên quyết siết trọng tải
Trước những việc nhiều tài xế xe quá tải quấy rối trước trạm cân, trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đã lập Tổ thường trực xử lý các vấn đề phát sinh trong thực hiện trạm cân, cũng như sẵn sàng cử các đoàn kiểm tra xuống từng điểm nóng tại các địa phương. Theo ông Thọ, sau khi thí điểm 4 trạm cân tại một số tuyến QL chính như QL5, Lâm Đồng từ năm 2013, Bộ GTVT và Bộ Công an cũng đã tính toán, lường trước các tình huống này và đã có quy chế phối hợp giữa Tổng cục Đường bộ và C67; thậm chí lường trước cả tình huống lái xe chống đối như vụ lái xe ở Hà Nam tông hỏng trạm cân. Nhưng thực tế khi triển khai rộng trên cả nước vẫn còn các bất cập chưa khắc phục hết như bất cập bến bãi, điểm dừng đỗ, tài xế chống đối. Quy định có hạ tải, nhưng triển khai cũng rất hạn chế mà chỉ xử phạt rồi cho đi, vì kho bãi để chứa hàng chưa đáp ứng đủ.
Về vụ sự việc xảy ra tại trạm cân Bình Thuận, ông Thọ cho biết, Bộ đã có văn bản chính thức (ngày 24.4) đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các lực lượng kiên quyết xử lý tình trạng ùn tắc. Cuối tháng 5 sẽ sơ kết kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT và chỉ ra việc mà mỗi đơn vị phải làm. Nhưng trước mắt, vướng đâu sẽ tập trung tháo gỡ đấy. Cụ thể, yêu cầu thống nhất cách xử phạt trong cả nước, rà soát lại các tiêu chí: căn cứ xử phạt, phiếu xử phạt, phiếu đăng kiểm phải thống nhất làm một để giải thích cho lái xe.
“Chúng tôi không xem đây là chiến dịch, mà là bước đầu chuẩn bị cho việc thực hiện lâu dài. Không phải doanh nghiệp nào cũng phản ứng, nhiều doanh nghiệp cho biết rất ủng hộ chủ trương siết tải trọng vì an toàn, giảm giá cước, chống tiêu cực nhờ công khai, minh bạch” - ông Thọ nói.
TP.HCM: Xử lý 4.327 trường hợp quá khổ, quá tải, phạt hơn 16 tỉ đồng Hôm qua 24.4, theo nguồn tin từ Phòng CSGT đường bộ và đường sắt (PC67), Công an TP.HCM, từ 1.12.2013 đến nay, lực lượng phối hợp đã xử lý tổng cộng 4.327 trường hợp quá khổ, quá tải; phạt hơn 16 tỉ đồng. |
Thanh Niên
Bình luận (0)