Tài xế Uber bị tố đưa thông tin khách hàng lên web sex: Có thể bị xử lý hình sự

06/01/2016 13:14 GMT+7

Sau câu chuyện của chị L. (Hà Nội) tố cáo một tài xế Uber đã cố tình đưa số điện thoại của chị lên website khiêu dâm vì bị đánh giá 1 sao, các luật sư cho rằng hành vi này của tài xế đã xâm phạm quyền bí mật đời tư cá nhân và có thể bị xử lý hình sự.

Sau câu chuyện của chị L. (Hà Nội) tố cáo một tài xế Uber đã cố tình đưa số điện thoại của chị lên website khiêu dâm vì bị đánh giá 1 sao, các luật sư cho rằng hành vi này của tài xế đã xâm phạm quyền bí mật đời tư cá nhân và có thể bị xử lý hình sự.

Uber đang là dịch vụ gọi xe qua di động còn gây tranh cãi nhiều tại Việt Nam - Ảnh: AFPUber đang là dịch vụ gọi xe qua di động còn gây tranh cãi nhiều tại Việt Nam - Ảnh: AFP
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Thúy Lệ Huyền (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết theo điều 38 Bộ luật Dân sự quy định quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ; việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; thư từ, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn, bí mật và việc kiểm soát các loại này được thực hiện khi pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Còn theo khoản 2 Điều 46 luật Giao dịch điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
LS Huyền nhận định việc một cá nhân nào đó có hành vi đưa thông tin cá nhân như điện thoại, email…lên những trang websex, trang mạng có tính đồi trụy là hành vi xâm phạm bí mật đời tư và xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác” theo điều 121 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Hoặc có thể bị truy cứu về tội vu khống theo điều 122 Bộ luật Hình sự.
Cần tiếp thu ý kiến đánh giá
LS Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty TNHH luật Đức Chánh, phân tích dưới góc độ kinh doanh thì việc khách hàng đánh giá chất lượng phục vụ, dù là tốt hay chưa tốt đều giúp cho tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể tiếp thu ý kiến.
Trên cơ sở này nâng cao hơn chất lượng phục vụ khách hàng và giúp sản phẩm/dịch vụ của mình ngày càng tốt hơn, đáp ứng được sự tin yêu của khách hàng.
“Vì vậy, việc một tài xế liên kết Uber chỉ vì bị khách hàng đánh giá 1 sao với thái độ phục vụ không tốt mà có hành vi làm lộ bí mật đời tư, chưa nói đến việc có xúc phạm danh dự nhân phẩm hành khách này hay không. Thì rõ ràng là điều không tốt. Hiện nay, hành lang pháp lý để Uber hoạt động tại Việt Nam chưa rõ ràng, vì hiện Uber chỉ là dịch vụ hỗ trợ vận tải, không phải là đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách như các hãng taxi truyền thống. Vì vậy, nếu xảy ra vấn đề tranh chấp giữa hành khách với lái xe/chủ xe thì có thể rắc rối và dẫn đến thiệt thòi cho hành khách”, LS Chánh phân tích.
Theo LS Chánh dịch vụ Uber có những ưu điểm nhưng nếu không có biện pháp để ngăn chặn hay hạn chế việc tài xế/chủ xe có hành vi vi phạm pháp luật thì có thể bị chính khách hàng quay lưng với dịch vụ của mình, nhất là hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm cá nhân.
“Mặt khác, các cơ quan nhà nước cần sớm có hành lang pháp lý cụ thể điều chỉnh quan hệ pháp luật giữa Uber-Hành khách-Tài xế/chủ xe liên kết, để khi xảy ra khiếu nại hay tranh chấp thì có hành lang pháp lý rõ ràng bảo vệ quyền lợi cho các bên”, LS Chánh nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.