Bà Mahbuba, 50 tuổi, đã có bốn con trai nhưng lúc nào bà cũng muốn có thêm một đứa con gái. Do vấp phải thủ tục nhận con nuôi phức tạp, bà quyết định chọn lựa cách thức dễ dàng hơn – đó là mua một em bé. Ngoài ra, cả những người không có con cũng thường làm như vậy để có một đứa trẻ.
Chuyện thường ngày
Bà Mahbuba kể: “Khi vừa nghe tin một phụ nữ ở bệnh viện phụ sản bán đứa con gái mới sinh, tôi vội lao đến đó ngay. Chị ta bảo tôi rằng chị đã có năm con và không thể cáng đáng thêm một đứa con nào nữa. Thế là tôi trả cho chị 100 USD”.
Việc mua bán trên đã xảy ra cách nay 10 năm. Tuy nhiên, chuyện mua và bán trẻ sơ sinh ở Tajikistan hiện vẫn còn phổ biến. Mọi việc đều bắt đầu ở các bệnh viện phụ sản. Có những người mẹ đã bỏ rơi đứa con mới chào đời được vài ngày, phó mặc số phận con trẻ cho đội ngũ nhân viên y tế bệnh viện.
Ngoài ra, theo BBC, một y tá trẻ đã kể lại cảnh cô chứng kiến các bác sĩ giúp một phụ nữ có con chết ngay khi sinh để người này có được một đứa trẻ mới sinh từ bệnh viện khác. Cô không chắc liệu vụ trao đổi này có liên quan gì đến tiền bạc hay không. Cô nói: “Tôi nghĩ họ chỉ muốn giúp đỡ mà thôi”.
Tuy nhiên, ở Tajikistan, những người có thiện chí như trên có thể bị phạt đến 8 năm tù. Năm 2008, đã có 13 trường hợp như vậy. Thế nhưng, người ta cho rằng số vụ liên quan đến tình trạng mua bán trẻ sơ sinh cao hơn nhiều.
Phạm tội ác
Hai bà đỡ ở quận Tursunzoda, phía Tây Dushanbe, đã bị buộc tội bán một bé trai với giá 200 USD và họ hiện đang phải lãnh bản án hai năm tù hưởng án treo. Cả hai đều ở độ tuổi gần 50 và đã làm việc ở bệnh viện phụ sản trong suốt 20 năm.
Ông Azimjon Ibragimov, nhân vật đứng đầu bộ phận phụ trách theo dõi nạn buôn người của Bộ Nội vụ Tajikistan, nhận định: “Nạn buôn trẻ sơ sinh là một vấn đề và hiện nó vẫn còn đang tồn tại. Những người mua thường là các cặp vợ chồng không có con. Và bởi vì thủ tục nhận con nuôi hợp pháp khá phức tạp nên nhiều người trong số họ nhận thấy mua một em bé là việc dễ dàng hơn nhiều. Hầu hết họ đều không biết rằng dính líu đến chuyện mua bán này là phạm tội ác”.
Ngay cả những người nhận thức được nguy cơ này cũng thường cho rằng họ không có chọn lựa nào khác ngoài việc tống khứ đi những đứa con không mong muốn vì bị áp lực của xã hội. BBC cho biết nhiều trường hợp như vậy rơi vào những người mẹ trẻ có con không hợp pháp. Thực tế là ở Tajikistan, có con ngoài hôn nhân là sự việc khiến gia đình cô gái phải chịu xấu hổ.
Gia đình vắng bóng người cha
Ở đất nước nghèo nhất vùng Trung Á này, những người cha thường làm việc ở nước ngoài và gánh nặng chăm sóc con cái đè lên đôi vai phụ nữ. Vì thế, có những người mẹ không thể nuôi thêm bất cứ một miệng ăn nào nữa. Bà Muhabbat Pirnazarova, Giám đốc Trung tâm Xã hội Công dân, nhấn mạnh: “Vấn đề chủ yếu khiến phụ nữ Tajikistan phải chịu đau khổ là chồng của họ thường vắng nhà để lo việc mưu sinh. Có những ông gửi tiền về nhà, nhưng cũng có những người bỏ rơi luôn gia đình của họ”.
Theo Hoài Vi (Người Lao Động)
Bình luận (0)