Tấm áo của lòng hiếu khách

20/06/2017 06:45 GMT+7

Nói về những rạn nứt trong thực hành văn hóa tín ngưỡng, GS Ngô Đức Thịnh cũng nói nhiều đến ứng xử tại các không gian di tích. Nổi bật là tình trạng nhiều người ăn mặc trang phục thiếu nghiêm cẩn tới đây.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng cả khách trong nước lẫn du khách quốc tế ăn mặc không đủ tôn kính để vào nhiều không gian văn hóa tâm linh. Chính vì thế, khi Bộ VH-TT-DL ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch, trong đó cũng có điều khoản về trang phục phù hợp, không ai thắc mắc về lý do cần phải vậy. Công chúng chỉ muốn biết ngành du lịch sẽ hiện thực hóa điều đó bằng cách nào khi chưa có chương trình hành động. Câu hỏi này càng lớn hơn khi ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Du lịch, xác nhận quy định trên chỉ là khuyến khích, không có chế tài.
Vì thế, khi Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên hiện thực hóa việc trang phục phù hợp vào di tích, thủ đô đã vào tầm ngắm của nhiều người: liệu nó có mang nét văn hóa của di tích hay không, bảo quản ra sao để hợp vệ sinh. Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho may khoảng 200 áo khoác mỏng để cả khách nam và nữ dùng ở di tích đền Ngọc Sơn. Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng thiết kế trang phục giống sĩ tử xưa để khách mượn.
Mới đây, khi Trung tâm di tích cố đô Huế áp dụng không cho phép khách mặc hở hang vào di tích, thì nguy cơ ngập trong quần áo may hỗ trợ đã thành sự thật. Hiện tại, trung tâm này quản lý 32 cụm di tích, nằm trải rộng trên toàn bộ diện tích của TP.Huế cùng 4 huyện và thị xã lân cận. Bản thân việc bảo quản áo khoác, khăn choàng cho khách thuê mượn cũng là điều khó với nhiều điểm di tích. Dịch vụ giặt ủi các trang phục này hằng ngày cũng là một việc phải chi cả nhân công lẫn tiền.
Để hạn chế việc phải may thêm, quản lý thêm rất nhiều trang phục, kinh nghiệm từ Hà Nội là thông báo cho các hãng lữ hành. Huế cũng đang có những thông báo như vậy. Tuy nhiên, chỉ có hãng lữ hành thôi không đủ, bởi khách tới VN có nhiều người đi “du lịch bụi”. Các cơ sở lưu trú địa phương cũng có thể tham gia vào việc truyền thông tới du khách này. Ở cấp ngành, các trang điện tử quảng bá du lịch bằng tiếng nước ngoài của Tổng cục Du lịch hoàn toàn có thể đăng bài về các địa phương, điểm đến di tích có quy chế trang phục.
Để khách trong nước và nước ngoài tôn trọng không gian văn hóa của di tích, chúng ta có thể mời những người mặc trang phục không phù hợp đứng ngoài. Tuy nhiên, chúng ta không muốn “đuổi khách” mà muốn họ vào một cách “nhập gia tùy tục”. Vì thế, tấm áo phù hợp ở di tích là câu chuyện cần được nói với khách du lịch từ khi họ mới bắt đầu đặt vé tới VN.
Tất cả những điều vừa nêu cần được ngành du lịch hiện thực hóa qua hành động cụ thể của các hãng lữ hành, hàng không… chứ không phải tới chỉ tới cửa di tích mới xiết. Đấy mới thực sự là lòng hiếu khách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.