Tìm ra nguyên nhân gây hơi thở nặng mùi sẽ giúp bạn khắc phục được tình trạng gây trở ngại trong việc tiếp xúc với mọi người.
Trên thực tế, các kết quả nghiên cứu cho thấy vi khuẩn là yếu tố chủ chốt khiến bạn ngại ngùng khi muốn mở miệng trao đổi với người khác. Khi vi khuẩn trộn lẫn với các hạt protein, “thảm họa” thực sự bắt đầu. “Khi những vi khuẩn này trao đổi chất, chúng sản sinh ra một loại khí sulfur giống như thường thấy ở trứng thối”, dẫn lời tiến sĩ nha khoa Susanne Cohen (Mỹ). Giải thích tình trạng hôi miệng vào sáng sớm, một trong những lý do, theo nha sĩ Jennifer Jablow là do miệng của chúng ta sản sinh ít nước bọt khi mới thức dậy. “Nước bọt đóng vai trò như vật đệm nhằm trung hòa và thanh tẩy vi khuẩn. Thiếu nước bọt, miệng sẽ khô và nồng độ a xít tăng cao, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sản sinh loại khí bốc mùi”, chuyên gia Jablow phân tích.
|
Nếu cho rằng ly cà phê ban sáng làm miệng bạn bốc mùi, đó là suy đoán không có cơ sở, vì bản thân cà phê có mùi thơm rất kích thích. Thay vào đó, tiến sĩ Cohen giải thích khí sulfur có sẵn trong miệng hòa quyện với vị cà phê và gây nên mùi khó ngửi. Tất nhiên, có những thực phẩm góp phần gây mùi hôi ở miệng, chẳng hạn như tỏi, hành hoặc các loại gia vị hăng cay khác. Thực chất, khi hỗn hợp sulfur có trong tỏi được trao đổi chất, chúng tạo thành một loại gọi là methyl sulfide, không thể bị tiêu hóa được. Thay vào đó, hợp chất này “chu du” từ hệ tuần hoàn máu sang phổi và da, và từ đó bắt đầu bốc mùi.
Như đã nói ở trên, miệng khô cũng có thể tạo điều kiện để vi khuẩn trong miệng “tác quái”. Ngoài thời điểm buổi sáng, nên chú ý những buổi tập thể dục mướt mồ hôi làm miệng khô. Nếu cứ để miệng khô liên tục, hơi thở nặng mùi là chuyện dễ xảy ra. Bên cạnh đó, sức khỏe của bạn cũng góp phần vào tình trạng hơi thở nặng mùi, cụ thể ở trường hợp các bệnh nhân viêm gan, thận hoặc tiểu đường.
Từ những nguyên nhân trên, các chuyên gia Mỹ cho rằng nên chú ý chăm sóc răng miệng thường xuyên, như chải răng và sử dụng tăm chỉ. Sau các bữa ăn, có thể nhai các loại thảo mộc như ngò tây, lá húng tây, cây hương thảo để chống nặng mùi. Nên uống nước thường xuyên để tránh tình trạng khô miệng. Cuối cùng, lên kế hoạch đến nha sĩ 2 lần/năm để đảm bảo sức khỏe răng miệng ở mức tốt nhất.
Phi Yến
Bình luận (0)