Tạm biệt kỷ nguyên của 'bà đầm thép' Angela Merkel

Ngọc Mai
Ngọc Mai
07/12/2021 09:39 GMT+7

Từ một nhà vật lý ở Đông Đức, bà Angela Merkel nhảy lên ghế Thủ tướng Đức trong vỏn vẹn 16 năm. Để rồi “bà đầm thép” ấy trở thành một phần không thể thiếu với chính trường Đức và cả châu Âu suốt 16 năm sau đó.

Ngày mai, 8.12, nước Đức sẽ có thủ tướng mới, chính thức khép lại 16 năm lãnh đạo của bà Angela Merkel. Sẽ có nhiều thách thức cho người kế nhiệm, khi dấu ấn của bà Merkel không dễ phai mờ.

“Tượng đài Merkel”

Tối 2.12 vừa qua, Quân đội liên bang Đức đã tổ chức buổi “đại quân nhạc” để tri ân nữ Thủ tướng Merkel sau 16 năm lãnh đạo đất nước. Trước đó, các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 22.10 đã dành sự kiện đặc biệt để chào tạm biệt bà, cũng là hội nghị thượng đỉnh cuối cùng mà “bà đầm thép” tham gia trước khi chính thức từ giã chính trường.

Hình ảnh bà Merkel trong các bài phát biểu mỗi dịp năm mới trước toàn dân

REUTERS

Theo The Washington Post, các nhà lãnh đạo châu Âu đã dành những lời ca ngợi tốt đẹp nhất cho bà Merkel tại sự kiện. Họ gọi bà là “thiên đường của hòa bình”, “cỗ máy đàm phán” của châu Âu.

“Bà là một tượng đài… Hội đồng châu Âu không có bà Angela cũng như Rome không có Vatican hay Paris không có tháp Eiffel vậy”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói về bà Merkel tại Brussels (Bỉ). Sự kiện vừa qua là hội nghị thượng đỉnh thứ 107 của khu vực mà bà tham dự.

Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg thì gọi bà là công dân châu Âu ưu tú và việc bà rời chính trường sẽ để lại một chỗ trống lớn. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng ca ngợi những đóng góp của bà Merkel, người đã trụ vững qua nhiều giông tố.

Từ khi nhậm chức, bà Merkel được tạp chí Forbes bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới 14 lần.

Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel, hai nhà lãnh đạo quốc gia quan trọng nhất châu Âu, chào nhau lần cuối

Di sản lớn

Giới quan sát đánh giá thành công của Thủ tướng Merkel trong 4 nhiệm kỳ chính là giúp lèo lái nước Đức và châu Âu vượt qua hàng loạt cuộc khủng hoảng. Đầu tiên là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 rồi sau đó là nỗ lực cứu lấy đồng tiền chung châu Âu khỏi cuộc khủng hoảng nợ công tại nhiều nước thành viên, điều mà bà xem là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong thời gian làm thủ tướng.

Cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015, giữa lúc xung đột tại Syria leo thang căng thẳng được cho là thời khắc bộc lộ rõ nhất quyết tâm chính trị của bà Merkel. Trước làn sóng người di cư dồn về châu Âu, bà Merkel quyết định mở cửa cho hơn 1 triệu người xin tị nạn, bất chấp sự phản ứng từ trong nước lẫn từ các nước khác trong EU.

Nhà báo Ralph Bollmann của tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung nhận xét thành tựu của Thủ tướng Merkel là dẫn dắt nước Đức, châu Âu và một phần nào đó là thế giới vượt qua liên tiếp những cuộc khủng hoảng một cách khá an toàn. “Di sản quan trọng nhất của bà Merkel đơn giản là mang lại sự ổn định trong thời điểm khủng hoảng toàn cầu”, theo ông Bollmann.

Trong một sự kiện vận động tranh cử hồi tháng 8, Thủ tướng Merkel đã điểm qua một vài thành tựu của mình, đầu tiên là giảm thất nghiệp tại Đức từ 5 triệu người vào năm 2005 xuống còn 2,6 triệu người. Theo AP, bà Merkel nhấn mạnh những tiến triển trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, đã tăng từ 10% lên thành 40% trong tổng lượng năng lượng được sử dụng hiện nay.

Chính quyền của bà Merkel kế thừa kế hoạch ngừng sử dụng điện hạt nhân từ chính quyền trước và đẩy nhanh hơn sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011.

Bà Merkel ca ngợi nỗ lực của chính phủ trong việc cải thiện tình hình tài chính của đất nước, giúp nợ công ngừng tăng từ năm 2014, cho đến khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Trong 16 năm tại nhiệm, bà Merkel chấm dứt quy định nghĩa vụ quân sự, hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, đưa ra quy định về mức lương tối thiểu và những cải cách để giúp phụ nữ đóng vai trò xã hội nhiều hơn.

Trên trường quốc tế, bà Merkel quyết tâm tìm kiếm sự thỏa hiệp và theo đuổi các tiếp cận đa phương cho những vấn đề của thế giới trong suốt những năm đầy biến động, với việc Mỹ ngày càng xa rời đồng minh châu Âu trong khi Anh rời khỏi EU.

Chính quyền Đức dưới thời bà Merkel chịu những thúc ép từ Mỹ về việc phải cứng rắn hơn với Nga và Trung Quốc, nhưng là một người sinh ra trong Chiến tranh lạnh, bà hiểu được tầm quan trọng của việc phải tránh tạo ra thêm một cuộc đối đầu như vậy. Bà Merkel đã cố gắng tách biệt các vấn đề nhân quyền, an ninh với Trung Quốc và Nga khỏi việc hợp tác về kinh tế và thương mại.

Phong cách đặc biệt

Tuy nhiên, phong cách lãnh đạo tập trung vào sự thực dụng, ổn định của bà cũng nhận những ý kiến phê bình, cho rằng bà thiếu tầm nhìn nổi bật cho nước Đức và châu Âu trong vài thập niên tới. Dù được mệnh danh là “thủ tướng khí hậu” với những cam kết về môi trường, bà Merkel mãn nhiệm khi Đức vẫn là nước sản xuất than nâu lớn nhất thế giới.

Những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” kèm theo các gói cứu trợ trong cuộc khủng hoảng tiền euro đã khiến bà trở thành nhân vật bị chỉ trích nặng nề tại các nước nhận cứu trợ. Mặt khác, châu Âu ngày càng phân hóa trong khi Anh không còn là thành viên của EU. Các dự án quan trọng như chính sách phòng thủ chung, chính sách nhập cư chưa được hoàn thiện một cách thống nhất trong EU. Với vai trò là đầu tàu của châu Âu, nước Đức được kỳ vọng nhiều hơn thế.

Phong cách của bà cũng là điều nhận nhiều đánh giá. “Bà ấy lãnh đạo trong im lặng. Đó là điểm mạnh nhất và cũng yếu nhất của Merkel. Bà sẽ không bao giờ nhanh miệng trong bất kỳ chuyện gì, cứ từ từ chờ xem con tàu sẽ đi tới đâu rồi bất thình lình nhảy ùm lên tàu”, nhà báo Dirk Kurbjuweit của tờ báo Đức Der Spiegel nhận xét. Kurbjuweit từng viết tiểu sử của Merkel hồi năm 2009, theo Vanity Fair.

Bước tiến kỳ diệu của tiến sĩ vật lý

Ảnh

Bà Angela Merkel sinh năm 1954, là người đầu tiên thay thế sự lãnh đạo suốt nửa thế kỷ của các chính khách nam giới, đồng thời trở thành thủ tướng trẻ nhất của nước Đức vào năm 2005, khi bà 51 tuổi.

Nhìn lại cuộc đời của “bà đầm thép” mới thấy việc bước chân vào chính trường của bà có quá nhiều thăng trầm và thú vị. Xuất phát điểm của Merkel: 35 tuổi, ly dị chồng, chưa từng có kinh nghiệm chính trị. Công việc chính trị đầu tiên của bà là khui thùng các máy tính mới và lắp đặt nó vào văn phòng của một đảng trung hữu tên Thức tỉnh dân chủ. Chỉ một năm sau, Merkel trở thành phát ngôn viên của đảng.

Không mất quá nhiều thời gian, bà Merkel được Thủ tướng Helmet Kohl khi đó, bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ nữ, Bộ trưởng Môi trường và những vị trí quan trọng khác. Ông Kohl trở thành người dìu dắt bà Merkel trên chặng đường chính trị đầu tiên. Thế nhưng, năm 1999, khi ông Kohl bị cáo buộc dùng tiền chung của đảng CDU mà ông làm lãnh đạo để phân phát cho bạn bè, chính bà Merkel đã công khai kêu gọi ông rời khỏi chính trường trên nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung, theo The Guardian.

“Có một điều mà người ta thường không phải lúc nào cũng hiểu được Merkel: Bà là một chính trị gia tàn nhẫn. Bà xử lý tất cả các đối thủ trong CDU cực kỳ thông minh nhưng cũng cực kỳ tàn khốc. Bà sẽ loại bỏ họ trong nháy mắt”, cựu Chánh văn phòng Thủ tướng Anh Jonathan Powel nhận xét với BBC.

Bà Merkel dần lên ghế chủ tịch CDU, trở thành lãnh đạo nữ đầu tiên của một đảng chính trị quan trọng ở Đức, sau đó bước vào cuộc đấu với Thủ tướng Gerhard Schroder và chính thức đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2005.

Dấu ấn thời trang của Thủ tướng Đức Angela Merkel
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.