Tạm biệt siêu kình ngư

06/08/2012 03:09 GMT+7

Michael Phelps đã nói lời tạm biệt sau ngày thi đấu cuối cùng trong sự nghiệp của mình rạng sáng qua, và để lại dấu ấn không thể đẹp hơn với chiếc HCV ở nội dung tiếp sức 4x100 m hỗn hợp.

Michael Phelps đã nói lời tạm biệt sau ngày thi đấu cuối cùng trong sự nghiệp của mình rạng sáng qua, và để lại dấu ấn không thể đẹp hơn với chiếc HCV ở nội dung tiếp sức 4x100 m hỗn hợp.  

 Tạm biệt siêu kình ngư
Phelps (thứ hai từ phải sang) có ngày chia tay đường bơi xanh thật
cảm động - Ảnh: AFP

Phelps hiện 27 tuổi, kết thúc sự nghiệp với một bản thành tích “vĩ đại nhất mọi thời đại” trong lịch sử Olympic khi đang sở hữu 22 huy chương, trong đó có 18 HCV (11 HCV là nội dung cá nhân). Lần đầu tiên góp mặt ở Olympic 2000, Phelps mới 15 tuổi và là VĐV trẻ nhất đoàn thể thao Mỹ trong vòng 68 năm ở thời điểm đó, không giành được huy chương nào khi thành tích cao nhất là về thứ 5 ở nội dung 200 m bướm. Trong 3 kỳ Olympic tiếp theo, Phelps trở thành VĐV độc nhất vô nhị khi giành 6 HCV, 2 HCĐ ở Athens 2004, rồi 8 HCV ở Bắc Kinh 2008 và giờ London 2012 với 4 HCV, 2 HCB. Lịch sử Olympic chưa có VĐV nào sánh ngang thành tích với Phelps, và chắc chắn sẽ còn rất lâu nữa kỷ lục này mới có thể bị phá.

Khi “Siêu kình ngư” người Mỹ giã từ sự nghiệp, Liên đoàn Thể thao dưới nước (FINA) tặng cho anh một chiếc cúp với dòng chữ: “Gửi Michael Phelps, VĐV Olympic vĩ đại nhất mọi thời đại”. Bản thân Phelps đã suýt khóc khi trả lời phỏng vấn kênh NBC: “Thật khó nói được gì lúc này. Nhưng tôi đã kết thúc sự nghiệp theo cách mình mong muốn. Sự nghiệp của tôi có lúc thăng lúc trầm, và bất cứ khi nào tôi cũng luôn muốn làm tất cả để hoàn tất sứ mệnh của mình”. Phelps đặc biệt tri ân HLV Bob Bowman, người dìu dắt anh từ lúc mới là cậu thiếu niên 15 tuổi cho đến lúc này. Phelps cũng giải thích lý do anh giải nghệ sớm: “3 năm nữa tôi sẽ 30 tuổi, và tôi không muốn mình tiếp tục thi đấu ở độ tuổi đó. Giờ là lúc thích hợp nhất để chia tay, và tôi không có gì phải hối tiếc”.

Cũng trong ngày thi đấu cuối của môn bơi lội, các nữ kình ngư Mỹ đoạt HCV nội dung 4x100 m hỗn hợp và phá kỷ lục thế giới với thành tích 3 phút, 52,05 giây; vượt kỷ lục cũ 0,14 giây do đội Trung Quốc lập năm 2009 trong bộ đồ bơi công nghệ cao. Kình ngư Trung Quốc, Sun Yang cũng phá kỷ lục thế giới ở nội dung marathon 1.500 m nam, nhưng đã bật khóc nức nở ở đích đến vì sợ sẽ bị hủy thành tích do lo lắng sẽ bị bắt lỗi vi phạm khi xuất phát. Còn nữ VĐV chuyên đua cự ly ngắn người Hà Lan, Ranomi Kromowidjojo đoạt tiếp HCV nội dung 50 m tự do.

Thanh Quyết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.