Tầm cao mới của quan hệ Việt Nam - Campuchia

24/06/2024 14:26 GMT+7

Campuchia và Việt Nam là hai quốc gia láng giềng nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc vùng hạ lưu sông Mê Kông. Điều đặc biệt hơn nữa là hai nước đều nằm ở vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất, là trung tâm kết nối giữa khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Hai nước luôn có mối quan hệ gắn bó, chia sẻ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong công cuộc giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho đến hôm nay.

Kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930 đến nay, Campuchia và Việt Nam đã cùng nhau trải qua nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng. Nhân dân hai nước luôn đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và đấu tranh chống chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt, Campuchia đã hỗ trợ Việt Nam thống nhất hoàn toàn đất nước vào ngày 30.4.1975; Việt Nam đã ủng hộ, giúp đỡ đất nước Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ ngày 7.1.1979, giúp dân tộc và nhân dân Campuchia thoát khỏi cánh đồng chết.

Ngày 24.6.2024 là ngày kỷ niệm 57 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Campuchia và Việt Nam. Trong 57 năm qua, tuy trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng mối quan hệ giữa hai đất nước vẫn không ngừng phát triển, được tôi luyện vượt qua biết bao thử thách, phát triển ngày càng sâu rộng và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc, hai đất nước.

Tầm cao mới của quan hệ Việt Nam - Campuchia- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ Thủ tướng Campuchia Hun Manet bên lề Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Úc vào tháng 3.2024 tại Melbourne

TUẤN ANH

Mối quan hệ đó đã tiến triển mạnh mẽ và tiến bộ với nhiều điểm nổi bật thông qua việc trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các cấp giữa hai nước, giữa nhân dân với nhân dân, giữa thanh niên với thanh niên, không ngừng củng cố và tăng cường tình đoàn kết và hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Campuchia - Việt Nam theo tinh thần "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài".

Cụ thể, trong chuyến thăm của người đứng đầu Chính phủ Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet tới Việt Nam vào tháng 12.2023, hai bên đã thể hiện mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai nước. Lãnh đạo hai nước cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tăng cường và mở rộng hơn nữa hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, an ninh, quốc phòng và biên giới, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, từng bước hướng tới mục tiêu đề ra trong chiến lược ngũ giác giai đoạn 1 của Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VII với phương châm lấy con người là ưu tiên số một, tiếp theo là đường sá, điện, nước và công nghệ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước phù hợp với tầm nhìn trở thành nước phát triển vào năm 2050, cũng như tầm nhìn Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Trong suốt 57 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đặc biệt sau khi Vương quốc Campuchia thứ hai tái lập, mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước đã đặt nền móng vững chắc và tạo đà thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời Campuchia - Việt Nam lên một tầm cao mới, đảm bảo ổn định lâu dài quan hệ giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước, bất chấp tình hình chính trị khu vực và thế giới đang có những diễn biến bất thường do cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc, chiến tranh ở dải Gaza, cuộc khủng hoảng ở Myanmar, căng thẳng ở Biển Hoa Nam hay Biển Đông, eo biển Đài Loan và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Về chính trị và an ninh

Trong bối cảnh Campuchia theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập dựa trên nền tảng luật pháp, tuân thủ các nguyên tắc của chủ nghĩa đa phương và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Campuchia luôn xem Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Trong khi đó, Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, chủ động, tuân thủ các nguyên tắc đa phương và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, luôn xem Campuchia là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.

Các chuyến thăm ngoại giao của lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra thường xuyên. Thông qua các chuyến thăm, hai bên luôn nhất trí và tái khẳng định các nguyên tắc trong quan hệ song phương giữa hai nước, thống nhất định hướng thúc đẩy và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác đa phương và thiết lập cơ chế, lộ trình đàm phán cụ thể để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục thúc đẩy, đưa quan hệ hai nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Hai nước tiếp tục tăng cường trao đổi các chuyến thăm ngoại giao giữa lãnh đạo cấp cao hai bên. Tại cuộc gặp cấp cao giữa người đứng đầu chính phủ hai nước, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng và quyết tâm cao trong việc tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai đảng và nhà nước của hai quốc gia.

Cần lưu ý rằng vào tháng 11.2000, hai bên đã ra tuyên bố chung xác định các nguyên tắc ưu tiên trong quan hệ song phương giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, văn hóa và y tế, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hữu nghị văn hóa, thể thao và hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các cơ quan bộ, ngành, ủy ban chuyên trách của Quốc hội, công đoàn, tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương của hai nước.

Năm 2005, hai nước tiếp tục thúc đẩy và tăng cường quan hệ hơn nữa với thỏa thuận phát triển quan hệ song phương dựa trên phương châm "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài". Trên cơ sở đó, quan hệ giữa hai nước đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh đến kinh tế, văn hóa - xã hội, hướng tới thỏa thuận chiến lược lâu dài cấp quốc gia.

Trong những năm gần đây, lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước đã tích cực phối hợp, triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ hai nước và các chương trình hợp tác giữa các cơ quan bộ, ban ngành, địa phương liên quan. Những thành tựu trên các lĩnh vực đã góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo ổn định an ninh ở mỗi nước, tiếp tục thúc đẩy và tăng cường quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa hai nước. Đồng thời, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đảng, nhà nước của hai quốc gia, góp phần tích cực vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Về mặt chính trị, quan hệ chính trị tiếp tục được củng cố và mở rộng, phát huy vai trò hạt nhân định hướng quan hệ giữa hai nước. Hai bên khẳng định quan hệ Campuchia - Việt Nam đang phát triển tốt đẹp và ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trở thành tài sản chung quý giá của nhân dân hai nước và là nhân tố quan trọng bậc nhất bảo đảm thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi quốc gia, cũng như cam kết không ngừng bảo vệ, giữ gìn, phát huy và truyền lại cho thế hệ mai sau hiểu rõ hơn về mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước Campuchia - Việt Nam.

Hai bên luôn duy trì truyền thống trao đổi các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cũng như giữa các cơ quan bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương. Trong năm 2020 và 2021, trong bối cảnh đại dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, việc trao đổi trực tiếp các đoàn cấp cao giữa hai nước không thể thực hiện được nhưng hai bên vẫn thường xuyên duy trì mối quan hệ tốt đẹp thông qua các kênh kết nối như gọi điện thoại, trao đổi trực tuyến, gửi thư thăm hỏi, chia sẻ và hỗ trợ trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19.

Hơn thế nữa, cơ chế hợp tác song phương được duy trì tốt và phát huy hiệu quả, đặc biệt là các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam, hội nghị ủy ban hỗn hợp về kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, hội nghị giữa các tỉnh biên giới... Qua đó, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận chiến lược, không chỉ định hướng quan hệ chung giữa hai nước mà còn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hoạt động trao đổi thông tin và kinh nghiệm được đề cao và nhân rộng, nhiều văn kiện pháp luật đã được ký kết, làm cơ sở phát triển hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai nước.

Bên cạnh đó, hai bên đã tích cực phối hợp, tổ chức các hoạt động, sự kiện kỷ niệm một cách trang trọng và đầy ý nghĩa về mối quan hệ giữa hai nước như: Ngày Chiến thắng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Việt Nam và phối hợp với quân và dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ 7.1.1979, Kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Campuchia - Việt Nam (24.6.1967 - 24.6.2022), tuyên truyền rộng rãi về tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Campuchia và Việt Nam, chống lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch và các hoạt động phá hoại mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước...

Bên cạnh việc tăng cường và mở rộng quan hệ cấp cao, hai nước luôn đặc biệt quan tâm đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhân dân, coi đây là nền tảng vững chắc để gắn kết, làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Đó là các cơ chế hợp tác thông qua Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, Hội nghị hợp tác phát triển các tỉnh biên giới Campuchia - Việt Nam, Hội nghị xúc tiến đầu tư... được hai nước triển khai hiệu quả.

Hợp tác quốc phòng - an ninh tiếp tục được đề cao, phát huy hiệu quả và trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ Campuchia - Việt Nam, hoạt động phối hợp và công tác đối ngoại được tăng cường. Hai bên phối hợp chặt chẽ, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau nhằm giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở mỗi nước. Hai bên tích cực triển khai Nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giai đoạn 2020 - 2024, Kế hoạch hợp tác quốc phòng và an ninh thường niên giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam với Bộ Nội vụ Campuchia, duy trì cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng, tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần đầu tiên với đồng chủ trì là Bộ trưởng quốc phòng hai nước.

Hai bên cũng tái khẳng định nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ nước này để chống phá nước kia, hợp tác xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển, phối hợp chặt chẽ trao đổi thông tin, giải quyết các vấn đề, sự kiện phát sinh ở khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, cửa khẩu biên giới, ngăn chặn triệt để các hoạt động vượt biên trái phép, duy trì tuần tra chung trên biển, phòng chống hoạt động phá hoại của các lực lượng thù địch và tội phạm xuyên quốc gia.

Các Quân khu, Bộ Tư lệnh hải quân và biên phòng hai nước thường xuyên trao đổi đoàn nhằm thúc đẩy thực hiện các kế hoạch hợp tác, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và nghiệp vụ trên các lĩnh vực chuyên môn như phòng chống nguy cơ "cách mạng màu", chống khủng bố, cũng như tăng cường hoạt động hỗ trợ đào tạo và huấn luyện. Nhờ quyết tâm và nỗ lực của cả hai bên, Campuchia và Việt Nam đã hoàn thành phân giới cắm mốc 84% tuyến biên giới trên đất liền. Tháng 10.2019, hai nước đã ký Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Campuchia và Việt Nam.

Đến nay, Campuchia và Việt Nam đã hoàn thành phân giới cắm mốc 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc bổ sung và 221 dấu mốc biên giới. Công tác phân giới cắm mốc đã hoàn thành 1.044 km trên tổng chiều dài toàn tuyến biên giới 1.270 km. Hai bên đang tích cực, hợp tác chặt chẽ để hoàn thành 16% phần việc phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền còn lại. Hai bên cũng tích cực triển khai thỏa thuận về tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến giúp giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Không chỉ hợp tác trong khuôn khổ song phương, hai nước luôn tham vấn chính trị, chia sẻ thông tin kịp thời, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ hợp tác Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Liên Hiệp Quốc và cơ chế hợp tác giữa 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), Hợp tác giữa 4 quốc gia Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Kông (ACMECS), Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS)... nhằm góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Hợp tác kinh tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, khoa học và công nghệ 

Lĩnh vực này có bước phát triển vững chắc. Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, hai bên đã tích cực thúc đẩy và đề cao hiệu quả hợp tác song phương. Kể từ khi ký kết Hiệp định kinh tế và thương mại Campuchia - Việt Nam (1998) đến nay, quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước đã phát triển vượt bậc và đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường và mở rộng hợp tác toàn diện giữa hai bên.

Về thương mại song phương giữa hai nước, năm 1998, thời điểm Hiệp định thương mại Campuchia - Việt Nam được ký kết, hoạt động trao đổi thương mại giữa hai nước chỉ đạt 117 triệu USD. Đến năm 2021, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kim ngạch thương mại song phương chạm mốc gần 10 tỉ USD và đạt 10,47 tỉ USD trong năm tiếp theo. Năm 2023, quy mô thương mại giữa hai nước giảm nhẹ, xuống còn 8,57 tỉ USD. Việt Nam hiện là đối tác thương mại quốc tế lớn thứ 3 của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Campuchia, chỉ xếp sau Mỹ. Cuối năm 2023 vừa qua, lãnh đạo hai nước đã nhất trí mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỉ USD trong thời gian tới.

Về đầu tư, tính đến thời điểm này, Việt Nam có 205 dự án đầu tư vào Campuchia với tổng vốn đăng ký 2,94 tỉ USD, dẫn đầu ASEAN và là một trong 5 quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất trên đất nước Chùa Tháp. Đặc biệt, Campuchia đứng thứ hai trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Các nhà đầu tư Việt Nam hiện có mặt tại 18 trong tổng số 25 tỉnh, thành của Campuchia, tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp, viễn thông, ngân hàng, dịch vụ tài chính, công nghiệp chế biến và chế biến thực phẩm, khai khoáng, hàng không, du lịch... Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và tạo việc làm cho một lượng lớn người lao động Campuchia. Hai nước thường xuyên tổ chức các sự kiện xúc tiến, thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương như Diễn đàn doanh nghiệp Campuchia - Việt Nam, Hội nghị xúc tiến đầu tư Campuchia - Việt Nam, hội chợ triển lãm du lịch, thành lập các đặc khu kinh tế cửa khẩu... nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả cao.

Về hợp tác kết nối

Lĩnh vực vận tải giữa hai nước được thúc đẩy thông qua việc ký Biên bản ghi nhớ về Chiến lược hợp tác vận tải giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn 2030, Hiệp định vận tải đường bộ và Hiệp định vận tải đường thủy giữa Chính phủ hai nước Campuchia - Việt Nam, mở các đường bay thẳng từ Phnom Penh đến Preah Sihanouk, Siem Reap, Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, Hiệp định kết nối đường sắt giữa Phnom Penh và TP.HCM, cũng như kết nối tuyến cao tốc Phnom Penh - Bavet - TP.HCM.

Nông nghiệp

Việt Nam đã hỗ trợ Campuchia đào tạo nguồn nhân lực và tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho sinh viên Campuchia. Hai bên phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm dịch động vật, thực vật và bảo vệ rừng, phòng chống khai thác, vận chuyển trái phép gỗ và động vật hoang dã qua khu vực biên giới hai nước, góp phần quản lý, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học bền vững.

Về du lịch

Số lượng khách du lịch Campuchia xếp thứ 15 trong số lượng khách quốc tế đến thăm Việt Nam. Ở chiều ngược lại, lượng khách du lịch Việt Nam sang Campuchia trung bình mỗi năm khoảng 900.000 lượt người, chỉ xếp sau Trung Quốc. Năm 2023, Việt Nam là một trong hai quốc gia có lượng khách du lịch đến Campuchia đông nhất, đạt hơn 1 triệu lượt người, chỉ sau Thái Lan. Trong khi lượng khách du lịch Campuchia sang Việt Nam cũng tăng lên hơn 400.000 lượt người.

Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực 

Đây là lĩnh vực được hai bên cùng quan tâm, được xác định là mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu. Hằng năm, hai nước thường xuyên cấp học bổng đào tạo dài hạn và ngắn hạn cho sinh viên hai nước. Mỗi năm, Campuchia cấp 35 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam, trong đó có 15 suất học bổng đại học và sau đại học, 20 suất học bổng đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Khmer trong thời gian 2 năm.

Ở chiều ngược lại, mỗi năm Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng cho sinh viên Campuchia. Trong số này, có 100 suất học bổng đại học và 20 suất học bổng sau đại học được cấp thông qua Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia, cùng nhiều suất học bổng thông qua các chương trình hợp tác khác. Ngoài ra, hai bên còn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề thông qua việc tổ chức các hoạt động phát triển nguồn nhân lực. Đây thực sự là nguồn bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ở mỗi quốc gia.

Hợp tác giữa các cơ quan bộ, ngành, y ban chuyên trách Quốc hội, Công đoàn và tổ chức quần chúng 

Các hoạt động này được hai bên tiếp tục đề cao và ngày càng phát huy hiệu quả. Hai bên duy trì các hoạt động trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ ủng hộ lẫn nhau, nhất là ở khu vực biên giới, tiếp tục mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế và đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn ở khu vực biên giới hai nước.

Nói tóm lại, trong suốt 57 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Campuchia và Việt Nam đã không ngừng đề cao và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, từ thời điểm Campuchia tái lập Vương quốc thứ hai cho đến nay. Thời gian gần đây, một số thành phần bên ngoài cho rằng mối quan hệ bền vững "không gì xuyên thủng được" giữa hai nước bị rạn nứt, lung lay. Do họ nhìn thấy việc liên tiếp thay đổi bộ máy lãnh đạo ở một quốc gia, trong khi quốc gia còn lại cũng thay đổi gần như hoàn toàn bộ máy lãnh đạo cũ, được thay thế bởi thế hệ lãnh đạo cấp cao trẻ tuổi thông qua tiến trình bầu cử, giữa bối cảnh tác động nặng nề của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc, cũng như cuộc chiến ở dải Gaza, cuộc khủng hoảng ở Myanmar, căng thẳng trên Biển Đông và eo biển Đài Loan, chiến sự Nga - Ukraine...

Tuy nhiên, trên thực tế, mọi thứ hoàn toàn trái ngược với những gì họ nghĩ. Hai nước Campuchia - Việt Nam đã cùng nhau trải qua nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng. Nhân dân hai nước luôn đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc trước thực dân và đế quốc. Điều đặc biệt quan trọng là Campuchia đã hỗ trợ Việt Nam trong sự nghiệp thống nhất đất nước, trong khi Việt Nam hỗ trợ đất nước Campuchia trong công cuộc đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Thế nên, hành trình 57 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước tuy trải qua một số giai đoạn thăng trầm nhưng mối quan hệ này đã kinh qua nhiều thử thách, được tôi luyện trong nhiều bối cảnh, tạo dựng được nền móng vững chắc, cộng với những điểm tương đồng trong chính sách đối ngoại giữa hai nước đã tạo động lực thúc quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời Campuchia - Việt Nam lên một tầm cao mới, ngày càng phát triển, cụ thể, sâu rộng và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, trở thành tài sản chung vô giá, trường tồn và không gì lay chuyển được của hai dân tộc. Hai nước sẽ kề vai sát cánh mật thiết hơn nữa để cùng hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia phát triển của Campuchia vào năm 2050 và của Việt Nam vào năm 2045.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.