Điều đáng nói, những thay đổi, chỉnh sửa về kỳ thi này dường như thiếu tính chiến lược, bền vững mà chỉ là chạy theo diễn biến thực tế, thấy đâu sửa đó, thậm chí theo yêu cầu của một bộ phận nào đó. Chính vì vậy, khi đưa vào thực tế, nhiều quy định khó vận dụng, không đạt hiệu quả như mong muốn.
Mới đây, lãnh đạo Bộ chính thức tuyên bố từ năm 2013 sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa đầu ra như: tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán; kiến nghị Thủ tướng không cho phép mở các trường đào tạo các ngành này. Quyết định này hoàn toàn hợp lý trước thực tế sinh viên những ngành nghề vừa kể trên ra trường khó kiếm việc làm do cung đã vượt quá cầu. Thế nhưng đáng nói, sẽ không có những quyết định như thế nếu Bộ từng có dự báo chiến lược phát triển dài hạn về ngành nghề đào tạo.
Từ nhiều năm trước, ít nhất Báo Thanh Niên đã có nhiều bài phản ánh tình trạng TS tập trung đăng ký dự thi vào các ngành thuộc khối kinh tế, bỏ bê các ngành cơ bản và kỹ thuật. Trong đó, chúng tôi đã không ít lần nhắc đến con số theo quy hoạch của Chính phủ, đến năm 2020 các ngành thuộc khối kinh tế - tài chính chỉ chiếm 20% tổng chỉ tiêu nhưng hiện tại đã vượt đến hơn 30%. Theo một nghiên cứu của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2011 trong số 280 ngành đào tạo tại các trường trên cả nước, những ngành có nhiều cơ sở đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất gồm: quản trị kinh doanh (340 cơ sở đào tạo, chiếm 8,3% tổng chỉ tiêu tuyển sinh); kế toán (297 - 8%); công nghệ thông tin (295 - 6,5%); tài chính ngân hàng (200 - 5,8%)...
Cũng trong thời gian đó, nhiều bài báo phân tích tình trạng thành lập ồ ạt các trường ĐH, trong đó phần lớn đào tạo những ngành đang thu hút TS như: kinh tế, tài chính… Xin mở ngành là việc của các trường còn cho phép là trách nhiệm của Bộ. Lẽ ra, Bộ nên có quyết định điều chỉnh như đã nêu từ sớm hơn. Vấn đề là nếu cứ kiểu điều chỉnh cắt ngọn như thế này, sau ngành kinh tế sẽ đến những ngành nghề nào nữa?
Năm 2012 cũng là mùa tuyển sinh có nhiều điều chỉnh không mấy hiệu quả. Cho phép kéo dài thời gian xét tuyển nhằm giúp các trường ngoài công lập nhận được TS, nhưng Bộ lại có quy định điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không cao hơn nguyện vọng trước và để cho nhiều trường công lập lấy điểm chuẩn sát điểm sàn thì việc có thêm thời gian xét tuyển cũng như không. Bởi trong thời điểm kinh tế khó khăn, khi điểm chuẩn vào trường công và tư ngang nhau, phần lớn TS sẽ chọn trường công do học phí thấp. Đến gần nửa đoạn đường xét tuyển, Bộ lại đưa ra quyết định ưu tiên cho các TS ở khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ khiến TS và các trường lúng túng. Quyết định này nếu đưa ra trước kỳ tuyển sinh có thể sẽ phù hợp hơn.
Ở cấp độ của mình, Bộ không cần thiết phải đi vào giải quyết những vấn đề sự vụ hoặc đưa ra những quyết định mang tính chất nhất thời. Một chiến lược có tầm vĩ mô, bền vững, phù hợp với thực tiễn chính là việc mà ngành giáo dục - đào tạo cần tập trung hơn nữa.
Thùy Ngân
>> Đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ
>> Đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ - Kỳ 2: Có thể chỉ một số trường tốp trên thi tuyển
>> Nhiều trường đại học dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013
Bình luận (0)