Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực có nhiều biến động, đặc biệt còn bị ảnh hưởng từ căng thẳng về nhiều mặt giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong phát biểu khai mạc sự kiện từ ngày 31.5 - 2.6, thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định và xây dựng trong quan hệ Mỹ - Trung đối với an ninh khu vực, đồng thời đưa ra quan điểm về cách để các nước nhỏ như Singapore có thể lèo lái giữa những chuyển biến địa chính trị, theo Reuters.
Dự kiến trong sáng nay 1.6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan là người có bài phát biểu đầu tiên. Trong đó, ông sẽ trình bày chi tiết chiến lược mới của Mỹ về an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông. Một ngày sau, đến lượt Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đăng đàn với chủ đề Trung Quốc và hợp tác an ninh liên quốc gia. Đây là lần đầu tiên sau 8 năm, Trung Quốc cử Bộ trưởng Quốc phòng tham dự Đối thoại Shangri-La. Bên cạnh đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng đại tướng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu phái đoàn VN dự hội nghị. Theo chương trình, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch sẽ phát biểu tại Phiên toàn thể thứ 5 vào sáng 2.6, với chủ đề “Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh”.
Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế - ĐH KHXH-NV TP.HCM) nhận định với việc cử Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tham dự diễn đàn, Trung Quốc muốn gửi đi nhiều thông điệp. “Thứ nhất, Trung Quốc ngày càng chú tâm các thể chế đa phương khu vực, không chỉ ở khía cạnh thương mại, kinh tế, mà còn cả an ninh. Trung Quốc muốn dẫn dắt, thay vì để Mỹ chiếm sóng. Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh muốn giành lại trận địa ngoại giao đa phương ở các cấp bán chính thức tương tự như Đối thoại Shangri-la. Thứ ba, Trung Quốc muốn khẳng định không bị đánh bại trước những đòn trừng phạt thương mại của Mỹ. Họ sẽ thể hiện giọng điệu cứng rắn vì không chỉ cho khu vực và thế giới thấy mà còn muốn lên dây cót cho người dân tiếp tục tin tưởng chính sách của chính quyền trung ương”, ông Trung nói.
Đồng quan điểm trên, Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Honolulu, Mỹ) đánh giá hội nghị
Shangri-La lần này diễn ra khi cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đang dâng lên thành cao trào. “Trung Quốc đang bị Mỹ dồn vào thế bị động trong một số vấn đề như thương mại, Đài Loan. Do đó, động thái Trung Quốc cử Bộ trưởng Quốc phòng tới dự là để tạo thế tấn công với Mỹ và phát huy ảnh hưởng ở diễn đàn mà Mỹ chủ lực bấy lâu nay”, ông nói với Thanh Niên.
Theo tiến sĩ Trung, Đối thoại Shangri-la là diễn đàn, chứ không phải nơi đàm phán nên sẽ không có triển vọng thu hẹp bất đồng Mỹ - Trung. Thay vào đó, hai bên sẽ thể hiện quan điểm về cấu trúc an ninh khu vực, và dĩ nhiên họ sẽ không nhường nhau. Tương tự, Giáo sư Vuving nhận định: “Đối thoại Shangri-La lần này tiếp tục là nơi hai bên không chỉ đấu khẩu mà còn tìm cách tập hợp lực lượng. Sự có mặt của ông Ngụy Phượng Hòa ngay thời điểm ông Shanahan công bố chiến lược của Mỹ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ khiến Shangri-La năm nay thể hiện rõ cột mốc trong cuộc leo thang cạnh tranh chiến lược giữa hai nước”.
Mỹ chỉ trích Trung Quốc về Biển ĐôngHôm qua, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan có cuộc gặp khoảng 20 phút với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên lề Đối thoại Shangri-La. Reuters dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Joe Buccino cho biết hai bên thảo luận “cách thức xây dựng quan hệ quân sự song phương, giảm nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai”, cũng như về vấn đề CHDCND Triều Tiên.
Trả lời báo chí trước khi bước vào phòng họp, ông Shanahan tuyên bố những hành động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông như triển khai tên lửa phòng không là “quá mức”. “Họ nói hành động đó nhằm mục đích phòng thủ nhưng việc triển khai tên lửa đất đối không, mở rộng đường băng thì có vẻ quá mức”, Reuters dẫn lời quyền bộ trưởng nhấn mạnh.
|
Bình luận (0)