* Không giải quyết đơn “xin” lại con của gia đình cha mẹ ruột
(TNO) Liên quan đến cháu bé bị mẹ ruột "chôn sống" (ở P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), chiều nay 10.10, UBND Q.Ninh Kiều đã triệu tập cuộc họp để bàn hướng hỗ trợ cho cháu bé.
|
Ông Nguyễn Quang Duy, Phó chủ tịch UBND Q.Ninh Kiều cho biết khi vụ việc được phát hiện, gia đình hàng xóm là vợ chồng ông Trương Văn Bảnh và bà Đỗ Thị Công đã tạm nuôi cháu bé trong 30 ngày. Nếu trong thời gian này không có người thân đến nhận thì gia đình này sẽ tiến hành làm thủ tục nhận con nuôi.
Tuy nhiên, khi vụ việc bị phát giác, cha ruột của cháu bé là ông Trương Văn Nhân đã có đơn gửi UBND P.An Bình để xin “nhận lại” cháu bé. Nhưng theo nhận định của cơ quan chức năng, ông Nhân không thể không biết đứa bé được sinh ra như thế nào, tình trạng ra sao. Do “cả hai vợ chồng không muốn đứa bé tồn tại trong nhà của họ”, nên “đơn xin nhận lại đứa bé là không phù hợp”.
Đối với khả năng nhận nuôi cháu bé của gia đình của ông Bảnh bà Công, cuộc họp này cho rằng vì ở gần nhà nên khi bé lớn lên nếu biết được sự việc sẽ ảnh hưởng không tốt đến phát triển tâm lý của bé. Vì vậy, ông Duy thông báo tinh thần chung của cuộc họp là: Tạm thời nên đưa đứa bé vào trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi.
Bên cạnh đó gia đình ông Nhân, bà Trúc quá nghèo, nên chính quyền địa phương cũng đã tổ chức đến thăm hỏi, hỗ trợ 20 kg gạo và 500 ngàn đồng. Đồng thời, động viên gia đình đưa bà Trúc đi điều trị hậu sản, bởi sức khỏe bà Trúc bị ảnh hưởng do vừa sinh con nhưng không nghỉ dưỡng.
Vấn đề trách nhiệm của bà Lê Thị Cầm Trúc, mẹ ruột cháu bé, ông Nguyễn Quang Duy cho biết sẽ chỉ đạo xử lý hành chính do có hành động nhẫn tâm đối với chính con ruột của mình.
Công an Q. Ninh Kiều trước đó cũng đã thống nhất không xử lý trách nhiệm hình sự đối với bà Trúc vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm và chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Đại hiện VKSND Q.Ninh Kiều cũng đã thống nhất quan điểm không xử lý hình sự đối với bà Trúc.
Trước đó, tối 2.10, bà Trúc đã đào đất gần nhà rồi bỏ đứa con mới sinh của mình, lấp đất lại. Rất may, vụ việc được bác ruột của cháu bé tình cờ phát hiện kịp thời cứu sống đứa bé. Gia đình ông Bảnh, bà Trương nhà ở gần đó đã nhận bé về chăm sóc cho đến nay.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Văn phòng Luật sư Vạn Lý: Nên xét khía cạnh pháp lý lẫn đạo lý Theo Khoản 1 Điều 4 luật Nuôi con nuôi, quy định “nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi” như sau: “Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc”. Theo khoản 8 Điều 3 luật Nuôi con nuôi quy định “Gia đình gốc là gia đình của những người có quan hệ huyết thống”. Như vậy: nguyện vọng của người hàng xóm tốt bụng, đó là có nhu cầu nhận đứa trẻ về làm con nuôi, đã bị “rào cản” của pháp luật, thông qua điều luật đã viện dẫn. Do trường hợp này: người mẹ ruột muốn nhận lại con và người hàng xóm tốt bụng muốn xin làm con nuôi. Tuy nhiên, về đạo lý thì hành động của người mẹ đáng bị lên án, đồng thời có thể bị chế tài của pháp luật, xét về khía cạnh đạo lý thì người mẹ này không xứng đáng để tiếp tục nuôi dưỡng cháu bé, bởi: Theo lời trình bày của cha, mẹ ruột cháu bé “không có điều kiện về kinh tế để nuôi bé cho nên phải chôn sống”, nếu để bé trở về với gia đình gốc của mình thì tương lai của trẻ thật tối tăm, mù mịt, thậm chí có thể lợi dụng bé dùng vào mục đích xấu trong tương lai... Nếu sau này bé biết được sự việc đã bị mẹ ruột “chôn sống” thì ít nhiều tâm sinh lý sẽ bị tổn thương và ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, thậm chí có sự xung đột sẽ xảy ra Và những điều kiện khác của cháu sẽ bị hạn chế... |
Tin, ảnh: Tiến Trình
>> Xác định được sản phụ chôn sống con
>> Người mẹ chôn sống con khai vì 'nhà quá nghèo
>> Người cha suýt chôn sống con mình nói gì ?
>> Kỳ bí tục táng Tây Nguyên: Chôn sống con theo mẹ
Bình luận (0)