Thông báo do linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang, Tổng đại diện, Trưởng ban Xây dựng nhà thờ chính tòa Bùi Chu, ký.
Theo đó, thông báo viết: “Sau khi cầu nguyện chung, suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của các linh mục hữu trách và những người thành tâm thiện chí về công trình nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, chúng tôi xin thông báo tạm hoãn việc hạ giải nhà thờ của giáo phận chúng tôi”.
[VIDEO] Cận cảnh Nhà thờ Bùi Chu 134 tuổi
|
Trước đó, theo dự kiến, nhà thờ chính tòa này sẽ được hạ giải vào ngày 13.5. Về việc này, nhiều người đã bày tỏ mong muốn nhà thờ được giữ lại để trùng tu vì mang trong mình nhiều giá trị văn hóa lịch sử tôn giáo.
Cũng về việc hạ giải nhà thờ, có nhiều thông tin khác nhau về thực trạng nhà thờ Bùi Chu. Về phía nhà thờ, ông Nguyễn Đức Giang, Linh mục chánh xứ, Tổng đại diện giáo phận Bùi Chu, cho biết nhà thờ đã xuống cấp nhiều năm, được sửa chữa nhiều lần và đến nay không thể sửa chữa được nữa. Trong khi đó, một nhóm kiến trúc sư lại cho rằng, nhà thờ tuy đã xuống cấp nhưng vẫn có thể tu bổ được. Họ cũng gửi các văn bản để xin giữ lại nhà thờ tới Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL và đức giáo hoàng.
Về phía quản lý nhà nước, đoàn khảo sát của Bộ VH-TT-DL do Thứ trưởng Lê Quang Tùng đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định và trực tiếp thị sát thực tế, kiểm tra sơ bộ về thực trạng của nhà thờ Bùi Chu. Đoàn cũng trò chuyện và lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của giáo dân tại giáo xứ Bùi Chu. Sau đó, đoàn công tác xin ý kiến Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL chỉ đạo Viện Bảo tồn di tích khẩn trương tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án. TS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho biết Viện là nơi có đầy đủ tư liệu về nhà thờ Bùi Chu.
Theo GS Hoàng Đạo Kính, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, nhà thờ Bùi Chu là một công trình có ý nghĩa cột mốc của sự thâm nhập và phát triển Thiên chúa giáo, Công giáo ở Việt Nam, nhất là phía Bắc. Nhà thờ Bùi Chu là biểu hiện của sự hội nhập, kiến trúc Thiên chúa giáo phương Tây với kiến trúc bản địa. Những người truyền bá đạo Thiên chúa giáo muốn thu hút giáo dân, cũng như sử dụng chất liệu và tài khéo của nghệ nhân Việt Nam.
Bình luận (0)