Trên giường bệnh kê ở hành lang Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM, một người đàn ông độ tuổi trung niên nhăn nhó khi y tá chích thuốc. Người vợ đứng bên giường, một tay quạt, một tay bóp chân cho chồng.
Bi kịch của thói trăng hoa
Lân la bắt chuyện, tôi mới biết vợ chồng họ ở quận Phú Nhuận-TPHCM. Bà T. tỉ tê: “Ổng đào hoa lắm, đi đâu là có bồ đó. Hồi trước, tôi ghen riết mà ốm nhom. Cách đây hơn năm, ổng gặp một cô bán cà phê, quê ở Cà Mau. Biết ổng mua nhà cho tình nhân, tôi khổ tâm lắm. Lần đó, tôi dứt khoát ly hôn”.
|
Như những bà vợ có chồng hay cặp bồ lăng nhăng, bà T. cũng có những ngày tháng khốn khổ vì ông chồng S. đa tình. Từ trẻ, vợ chồng làm lụng vất vả, tích góp dần mới có tiền mở tiệm kinh doanh cửa hàng vật liệu xây dựng. Từ khi có tiền, ông S. sinh tật trăng hoa. Không ít lần bắt gặp chồng tay trong tay với người tình, bà T. lên tiếng thì ngay lập tức nhận được những lời sỉ vả cay đắng, đôi khi còn bị ăn đòn nhừ xương.
Khi gặp cảnh khốn khó, bệnh tật liệt giường, những người chồng trăng hoa, phụ rẫy vợ con, mới thấy được tình yêu thương vô bờ của vợ con. |
Gần đây, vết mổ cột sống cứ liên tục hành hạ ông S. Những ngày cuối tuần, các con mới có thời gian rỗi vào chăm sóc cha, vì vậy mọi việc, ông S. đều trông cậy vào vợ.
Vợ con gánh vác
Bà T. bộc bạch: “Sau khi ổng mua nhà chung sống với vợ trẻ, tôi hứa sẽ chẳng ngó ngàng tới ổng nữa. Thế mà khi nghe tin ổng bị tai nạn gãy cột sống, tôi và các con không cầm lòng được. Các con cũng khuyên tôi nên bỏ qua cho cha. Dứt tình còn nghĩa, sao tôi bỏ mặc được. Nhất là khi ổng bị bồ nhí cuỗm sạch tiền bỏ về quê. Tôi không vào chăm sóc, chắc ổng chỉ biết nhờ vào bệnh viện và những người tình nguyện làm việc thiện”.
Sau khi ông S. được đưa vào bệnh viện, bác sĩ bảo ông bị gãy cột sống lại khá lớn tuổi nên khả năng hồi phục rất thấp. Nghe thế, cô vợ trẻ của ông lập tức cao chạy xa bay, trước khi đi, không quên “gửi trả” lại ông S. cho bà T. Cách nay chừng một tháng, ông S. mổ cột sống, bà đưa chồng về nhà chăm sóc. Sau đó, vết mổ nhiễm trùng nên phải chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy mổ lại. Ngần ấy thời gian điều trị, chi phí phẫu thuật, thuốc men và ăn uống ngốn của bà T. hơn 200 triệu đồng. Mọi việc vệ sinh cá nhân của chồng, bà T. đều lo hết. Không biết qua lần thập tử nhất sinh này, những người chồng như ông S. có thấm thía tình cảm của vợ chưa hay khi khỏe lại vẫn ngựa quen đường cũ!
Mới đây, đi viếng đám tang ở một ngôi chùa trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3 - TPHCM), tôi rất ngạc nhiên trước cảnh bà vợ chính của người quá cố phải tiếp một lúc hai người phụ nữ đến nhận là vợ và dẫn con đến thắp nhang cho cha. Bà L. là vợ chính thức, tuy biết chồng rất trăng hoa, cứ nghĩ chỉ cặp bồ chơi cho đỡ chán “cơm”, ai dè… Điều đáng nói là suốt 3 năm trời ông bị tai biến, nằm liệt một chỗ, chẳng hề có người nào nhận là vợ nhỏ hay tình nhân đến chăm nom, săn sóc. Từ ăn uống, vệ sinh, tắm giặt, thuốc men, tập vật lý trị liệu chỉ do bà gánh vác và các con phụ giúp.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)