Với tổng sản lượng gấp cả chục lần so với Lâm Đồng, nên Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ của cà phê ở nước ta, và với tình hình Việt Nam hiện nay - là nước xuất khẩu cà phê Robusta nhiều hơn tất cả các nước khác, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng thế giới nên Buôn Ma Thuột trong thực tế cũng đang là thủ đô của cà phê Robusta của toàn thế giới. Còn Brazil, tuy đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê và số xuất khẩu nhưng 80% cà phê Brazil là thuộc giống Arabica.
Buôn Ma Thuột trước đây cũng được người Pháp và triều đình Huế coi là thủ phủ của cả vùng Tây nguyên rộng lớn. Khi đó, theo quy chế đặc biệt nên vùng đất này được gọi là Hoàng triều cương thổ với nhiều sắc tộc thiểu số còn sống theo luật tục truyền khẩu với những tộc người đa số thuộc chủng tộc Mãlai - Đađảo, còn gọi là Indonesian và sống du canh du cư với chế độ già làng và văn minh mẫu hệ.
Trong việc du nhập cây cà phê vào Việt Nam, Buôn Ma Thuột không phải là địa điểm đầu tiên. Sử sách ghi lại, cây cà phê được đưa vào Việt Nam thoạt đầu là được trồng ở những giáo xứ miền cao như Phủ Quỳ ở Nghệ An từ năm 1857. Tuy nhiên, tình hình chính trị xã hội không thuận tiện và có sự đề kháng của những phong trào Văn thân, Cần vương bùng nổ suốt từ những năm 1862 - 1867 khi lần lượt ba tỉnh miền Đông rồi ba tỉnh miền Tây bị Pháp chiếm đã khiến người Pháp không thành lập những đồn điền cà phê ở những vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh được.
Từ khi đạt được nền bảo hộ lên toàn cõi Đông Dương vào năm 1884, người Pháp chuyển hướng và nhắm đến việc khai thác vùng cao nguyên Trung phần. Từ 1887 đến đầu Thế chiến 2, người Pháp khai thác những đồn điền cao nguyên ở vùng Đồng Nai và lập những đồn điền cà phê của giới tư bản mẫu quốc dưới sự che chở của chế độ thuộc địa, lợi dụng nhân công vùng đồng bằng là qua sự tuyển mộ phu (được gọi là culi) từ những nơi đông dân và nghèo khó ở Bắc Việt (nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn thế giới 1929 - 1935). Tại Tây nguyên, sức lao động chính trong các đồn điền cà phê, từ việc trồng trọt đến hái tỉa là nhờ vào các sắc tộc ít người vì vùng Hoàng triều cương thổ hạn chế di dân người Kinh lên định cư để dễ bề kiểm soát và ngăn ngừa bạo loạn.
Trong chiến tranh Việt - Pháp đầu thập niên 1950, chính vị Tổng tư lệnh Quân đội liên hiệp Pháp ở Đông Dương đã tuyên bố là kẻ nào kiểm soát được Tây nguyên sẽ làm chủ được tình hình ở Đông Dương.
Một phần tư thế kỷ sau, Buôn Ma Thuột lại được cả thế giới biết đến khi trận đánh tháng 3 năm 1975 mở màn cho 55 ngày kết thúc cuộc chiến kéo dài suốt 15 năm.
20 năm sau nữa, khi Việt Nam bắt đầu cuộc Đổi mới từ năm 1986 và thoát khỏi sự cấm vận để bình thường hóa ngoại giao với Mỹ và toàn cầu, cả thế giới sửng sốt khi thấy Việt Nam một lần nữa lại gia nhập thị trường quốc tế và mạnh mẽ trở thành nước xuất khẩu cà phê thứ nhì trên thế giới từ năm 2000.
Như vậy, với những cơ sở tiền đề và toan tính của thực dân Pháp ở mảnh đất này, người Việt đã làm chủ và biến cải những cơ sở kia thành phương tiện để hội nhập với kinh tế thế giới.
Đã dạn dày những trải nghiệm với việc đề kháng vũ trang của những cường quốc hàng đầu trên thế giới, Việt Nam trong cuộc chiến đấu thầm lặng là thi đua kinh tế hiện cũng đang ở vị trí hàng đầu trong sự vận động những quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê để giành được sự công bằng trong quan hệ mậu dịch với phương Tây, là những quốc gia tiêu thụ cà phê hàng đầu song không trồng tỉa được thứ nông sản phẩm này vì khí hậu không phù hợp và nhân công quá cao.
Là thứ hàng hóa trao đổi thuộc tài nguyên tự nhiên chỉ đứng sau dầu hỏa, cà phê chắc chắn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cán cân thương mại thế giới; và việc Tây nguyên cùng với Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ cà phê của thế giới không phải là một giấc mộng mà là một chương trình hành động thực tế và đầy triển vọng do Tập đoàn cà phê Trung Nguyên giới thiệu lần đầu vào năm 2009 và đang ngày càng trở nên quen thuộc nhờ sự ủng hộ của truyền thông quốc tế và Việt Nam.
Bình Nguyên
>> Bạn hiểu gì về cà phê ? - Cà phê và làm đẹp
>> Bạn hiểu gì về cà phê?: Sự dịch chuyển từ trà qua cà phê
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Tiêu thụ càng nhiều, càng sáng tạo, giàu có
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Tiêu thụ càng nhiều, càng sáng tạo, giàu có
>> Bạn hiểu gì về cà phê ? - Hơn 500 tỉ ly cà phê được tiêu thụ mỗi năm
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Cà phê Việt Nam và triết lý khoảng lùi
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Ý: định danh với Espresso và Cappuccino
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Nguồn gốc cà phê Việt Nam
Bình luận (0)