Tuy vậy, đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người Bến Tre chỉ đạt 38,9 triệu đồng/người/năm, vẫn còn khá khiêm tốn so với các tỉnh trong vùng.
Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết nguyên nhân chính là do quy mô nền kinh tế còn hạn chế, các dự án trọng điểm được đề ra từ đầu nhiệm kỳ như: Dự án KCN Phú Thuận, Dự án Quản lý nước JICA, Dự án Thủy lợi Nam và Bắc Bến Tre… trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên khó thực hiện. Các dự án đã được các nhà đầu tư cam kết thực hiện trong hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 triển khai chậm, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau.
Bên cạnh đó, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Bến Tre phải đối mặt với đợt hạn mặn lịch sử, gây tổn thất nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Hậu quả kéo dài sau nhiều năm, gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế và khó khăn cho sinh hoạt và đời sống của người dân.
- PV: Đến nay, câu chuyện “làm tổ đại bàng” để thu hút các nhà đầu tư chiến lược mà Thủ tướng đã chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 của tỉnh vẫn chưa có nhiều tín hiệu đáng mừng, vậy theo ông nguyên nhân vấn đề là do đâu?
Ông Phan Văn Mãi: Các ngành du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; công nghiệp chế biến; nông nghiệp kỹ thuật cao; năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời)… được Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bộ, ngành T.Ư tham dự, góp ý để địa phương kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư.
Địa phương đã nỗ lực xuyên suốt trên tinh thần chỉ đạo đó, nhưng những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do tỉnh đang thiếu quỹ đất sạch; chi phí giải phóng mặt bằng khá cao; cơ sở hạ tầng của tỉnh vẫn còn hạn chế, thiếu đồng bộ, công tác xúc tiến đầu tư chưa gắn được với liên kết vùng; chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành T.Ư; nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng chưa đồng đều, thiếu lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp...
Tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái doanh nghiệp để Bến Tre xây "tổ" cho nhà đầu tư "đại bàng" đến phát triển và làm giàu. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung duy trì và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cùng với những chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư như đất đai, thuế, lao động… Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tiềm năng của tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, chính sách và quy trình thủ tục đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với mô hình một cửa, một cửa liên thông. Đẩy mạnh tiến độ đàm phán, thỏa thuận với các nhà đầu tư tiềm năng về xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp để sớm có quỹ đất sạch mời gọi đầu tư.
|
Ngay đầu nhiệm kỳ (Đại hội X Đảng bộ tỉnh), tỉnh đã xác định “Phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu đến năm 2020, doanh thu du lịch đạt trên 1.890 tỉ đồng, tăng bình quân ít nhất 22%/năm”, phát triển du lịch được xem là nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, so với kế hoạch, các con số về khách và doanh thu từ du lịch đều đạt và vượt, cụ thể: năm 2019, Bến Tre đón gần 1,9 triệu lượt khách, tăng 20% so cùng kỳ (khách quốc tế chiếm 43%); tổng thu từ khách du lịch đạt gần 1.800 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ (là một trong các tỉnh đứng trong top đầu khu vực ĐBSCL).
Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của tỉnh; sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu, doanh nghiệp du lịch chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn - nhân lực - kinh nghiệm quản lý còn hạn chế, vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy… Vì vậy, để du lịch "trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” theo như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bến Tre sẽ tiếp tục tập trung phát triển đa dạng các loại hình du lịch xứ dừa, dựa vào tiềm năng về tự nhiên, văn hóa và con người Bến Tre như tham quan - hội nghị, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, tâm linh, du lịch MICE..., đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với giá trị tăng thêm của ngành chiếm từ 8 - 10% GRDP của tỉnh. Đây cũng chính là trụ cột phát triển thứ ba trong Tầm nhìn chiến lược phát triển của tỉnh đến năm 2045.
- Trong chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh được xây dựng dựa trên các nội dung trọng tâm là “Giá trị lõi, trụ cột chiến lược, giải pháp động lực, cơ chế đột phá”. Xin vui lòng chỉ rõ về mối quan hệ tương hỗ giữa các tiêu chí đó trong lĩnh vực cụ thể, lĩnh vực du lịch chẳng hạn?
Giá trị lõi được hình thành trên cơ sở các đặc trưng văn hóa của địa phương tích lũy qua thời gian dài. Các đặc trưng văn hóa kết hợp với các lợi thế cạnh tranh về tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương hình thành mà các lĩnh vực, ngành mà địa phương vừa có tiềm năng, vừa có lợi thế để phát triển. Theo đó, Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2045 được xây dựng trên cơ sở 4 trụ cột chiến lược là tăng giá trị và tiếp cận thị trường trong nông nghiệp; Phát triển mở rộng công nghiệp chế biến; Mở rộng hoạt động kinh tế địa phương thông qua phát triển du lịch và Nâng cao chất lượng cuộc sống và kiến tạo môi trường xanh bền vững. Để xây dựng thành công các trụ cột này, tỉnh sẽ có một hệ thống các giải pháp động lực, như: quy hoạch không gian, sử dụng đất, phát triển hạ tầng, nguồn vốn đầu tư, chính sách hỗ trợ, thích ứng biến đổi khí hậu, áp dụng công nghệ và số hóa, đào tạo nguồn nhân lực, phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao an sinh xã hội.
Trong lĩnh vực du lịch, trên cơ sở các giá trị cốt lõi như tính thân thiện, cởi mở của người dân, không gian xanh, diện tích mặt nước có thể hình thành nên trụ cột du lịch. Tuy nhiên, để trụ cột này phát huy tối đa tiềm năng, cần một số giải pháp mang tính động lực và các cơ chế đột phá, đặt biệt tập trung giải quyết được những hạn chế của du lịch Bến Tre trong thời gian qua. Tầm nhìn chiến lược đã đề xuất Trụ cột chiến lược về “Mở rộng hoạt động kinh tế địa phương thông qua phát triển du lịch”. Theo đó, 10 giải pháp động lực được đề xuất tập trung vào các nhiệm vụ: phát triển các khu cụm du lịch tập trung có địa điểm cụ thể; đổi mới và đa đạng hóa sản phẩm, loại hình du lịch; tăng cường kết nối tour, tuyến du lịch; xây dựng trung tâm thông tin du lịch gắn hoàn thiện hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú trên địa bàn. Ngoài ra, để tạo đột phá trong thời gian tới, tỉnh đang triển khai xây dựng Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)