Song song đó, tôi theo học ngành Công nghệ Hóa học và Thực phẩm - trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Khi đang học năm thứ hai trường ĐH Bách khoa, tôi đổ bệnh. Bác sĩ chẩn đoán là tôi bị sốt siêu vi nên truyền nước biển, tiêm và cho thuốc uống. Vì không có người chăm sóc, mẹ tôi bảo đưa tôi về Bình Dương. Nhập viện ở quê, các bác sĩ chẳng biết bệnh gì cả, chỉ thấy tôi sốt mãi mà không giảm, ăn gì cũng nôn ra hết nên cứ khám bụng tôi hoài. Khi bớt sốt, dù tai không nghe thấy gì nhưng tôi vẫn được cho xuất viện. Về nhà, tôi sốt lại nên mẹ đưa đi Sài Gòn.
Lúc đó tôi chẳng nghe được gì ngoài âm thanh ù ù, rè rè và văng vẳng bài hát Vầng trăng khóc bên tai. Đó là bài hát mà hàng xóm mở suốt khi tôi nằm điều trị bệnh ở nhà. Và nó lởn vởn quanh tai tôi suốt gần 1 năm đằng đẵng. Một số bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng bảo đó là triệu chứng của bệnh điếc và trách gia đình sao đưa tôi đến trễ vậy! Uống đủ loại tây dược, đông dược, làm theo đủ mọi lời mách bảo, bệnh tình tôi vẫn không thuyên giảm. Tôi thấy mình tệ quá vì suốt thời gian dài trước khi bị bệnh, tôi đã không phụ giúp gì, bây giờ lại chất chồng thêm nặng gánh cho mẹ. Thời gian này, người yêu tôi hờ hững nên tôi càng buồn. Hụt hẫng, quẫn chí, tôi đã tự tử một lần, rồi hai lần nhưng tất cả đều không thành.
Mẹ sợ tôi bỏ đi nên đành nhốt tôi lại. Nhiều lần tôi đập đầu vào tường để mình chết đi nhưng lần nào mẹ cũng cố sức ngăn cản. Mẹ viết giấy xin lỗi, nhưng tôi không thèm đọc. Mẹ khóc, tôi suy nghĩ lại... Tôi biết rằng khi tôi đau, mẹ cũng sẽ rất đau. Tôi nói với mẹ rằng, bây giờ con là gánh nặng, là món nợ đời cho mẹ; con chẳng làm được gì hết, chỉ tốn tiền của mẹ! Và mẹ tôi bảo: "Mẹ không cần gì hết, chỉ cần con thôi!". Thế là cả hai mẹ con cùng khóc...
Tôi lên lại TP.HCM để tìm việc làm. Mẹ lo sợ đủ điều cho tôi. Mẹ sợ tôi ra đường sẽ bị xe tông vì không nghe được gì... Tôi được giới thiệu với Chương trình Khuyết tật và Phát triển cũng như Câu lạc bộ Khiếm thính tại TP.HCM. Tôi được 2 bạn khiếm thính là Mai và Dung giúp đỡ. Các bạn ấy rất tốt với tôi, nhưng chúng tôi cũng giận nhau hoài... chỉ vì nói mà không hiểu! Qua người quen và qua quảng cáo trên báo, internet, tôi đã xin việc làm nhưng rồi tôi phải rời những công việc đó, vì nhiều lý do. Có chỗ người ta không phân biệt người khiếm thính, song có chỗ làm tôi thấy tổn thương quá đỗi! Tôi còn nhớ khi thử việc cho một studio cưới, với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng (phải ký hợp đồng 1 năm, thời gian làm việc mỗi ngày từ 8 - 21 giờ), sếp khen tôi làm việc hiệu quả. Thế nhưng, chỉ sau 10 ngày, vợ sếp buộc tôi nghỉ việc. Có thể bà ấy ghen vì cho rằng tôi và sếp đang "tán tỉnh" nhau. Thực ra, do tôi không nghe được nên chúng tôi phải viết ra giấy khi cần trao đổi công việc.
Sau mấy bận long đong, hiện tôi là nhân viên thiết kế trong Công ty TNHH Xây dựng và Quảng cáo Duy Bình. Lúc đầu tôi không được nhận cũng vì lý do tôi không nghe được. Tuy nhiên, tôi đã thuyết phục được và sếp đã cho tôi cơ hội đến bây giờ. Ở công ty mới, tôi luôn được giúp đỡ trong công việc cũng như trong đi lại. Tôi được trao đổi với sếp và đồng nghiệp qua chat nên không quá bất tiện. Tôi rất yêu thích việc làm này vì nó phù hợp với tình trạng sức khỏe của tôi. Tôi không chắc là mình có trụ lâu dài được hay không vì công việc rất khó, nhưng mỗi ngày tôi đều cố gắng.
Cũng có những lúc quá mệt mỏi, nản chí, tôi muốn về nhà với mẹ. Tôi muốn được bình yên! Nhưng tôi không thể. Tôi phải làm việc để thấy mình còn có ích. Tôi không muốn thua kém bạn bè. Tôi không muốn mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại nữa...
N.L
(Ghi theo lời kể của bạn Cao Thị Hoàng Sa - thành viên Câu lạc bộ Khiếm thính TP.HCM)
Bình luận (0)