Tâm thế người thầy

08/01/2012 01:42 GMT+7

Trong những xã hội Á Đông như Việt Nam, người thầy có một vị trí rất đặc biệt. Theo suy nghĩ của người Việt, thầy để chỉ những người có học và nghề cao quý được kính trọng. Vì vậy, trước những người được gọi là thầy/cô, phần lớn mọi người đều có thái độ tôn kính.

Đối với hầu hết các phụ huynh, cho dù thầy/cô của con có nhỏ tuổi hơn mình thì lúc nào cũng một mực kính thưa, lễ độ khi tiếp xúc. Với học sinh, thầy/cô luôn là những người đáng nể trọng, ngưỡng mộ, tấm gương mẫu mực. Đây cũng chính là lý do phần nhiều học sinh ở những lớp nhỏ thường mơ ước sau này trở thành giáo viên.

Thế nhưng ngày nay tấm gương ấy có phần bị lu mờ. Tất nhiên vẫn còn đó những người thầy mẫu mực, đĩnh đạc, đáng tôn trọng. Nhưng cũng đáng buồn là xã hội ngày càng chứng kiến nhiều hình ảnh không hay của thầy/cô giáo khiến người ta đánh mất lòng tin về cái nghề cao quý này.

Say xỉn dẫn đến giết người là hiếm nhưng chuyện thầy giáo la cà, nhậu nhẹt ngay cả với học sinh - sinh viên thì không ít. Dạy thêm không đáng trách nhưng dạy thêm bắt buộc và gây sức ép để học sinh đến các lớp học thêm thì không đúng với đạo đức nhà giáo. Ấy vậy mà tình trạng này phổ biến đến mức giáo viên nào không dạy thêm trở nên lạc lõng và có phần thua thiệt. Dạy ở nhiều trường là bình thường nhưng dạy theo kiểu “chạy show”, đến lớp giảng qua loa, được chăng hay chớ để còn đi làm ở bên ngoài thì đạo đức nghề nghiệp không cho phép. Thế mà đây vẫn là chuyện thường ngày của nhiều giảng viên đại học, cao đẳng. Ở cấp quản lý, không ít lãnh đạo các trường vì quyền lợi cá nhân dẫn đến thu chi không minh bạch từ kinh phí đóng góp của phụ huynh, cắt xén khẩu phần ăn của trẻ…

Sẽ có ý kiến sao lại quá khắt khe với thầy/cô giáo vì nghề nghiệp nào lại chẳng có tiêu cực. Nhưng, như trong Truyện Kiều, nhà thơ Nguyễn Du có viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa”, nên những ai đã xem việc giảng dạy là cái nghiệp của mình rồi thì phải chấp nhận để sống xứng đáng với cái danh người đời đã gọi.

Vì thế, không phải ai cũng có thể trở thành thầy. Đây cũng là lý do để đặt ra vấn đề nên chăng có một vòng thi vấn đáp cho các thí sinh vào trường sư phạm. Tại vòng thi này, ban giám khảo - những người có trách nhiệm - bằng kinh nghiệm cuộc sống và nghề nghiệp sẽ tuyển chọn được những người có tâm thế để trở thành người thầy tương lai. Có như vậy, phần nào mới hy vọng nhận được những người có đạo đức và tâm huyết với nghề, thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo như phương châm của giáo dục VN. Tất nhiên, trách nhiệm thường đi với quyền lợi. Các trường sư phạm chỉ có thể tuyển được thí sinh vừa có tâm vừa có tài nếu sau khi ra trường họ được trọng dụng và phải sống đàng hoàng với đồng lương chân chính.

Có thể xem giáo dục Phần Lan là một điển hình để tham khảo. Trước thập niên 1970, nền giáo dục của quốc gia này vẫn còn kém hiệu quả. Khi bắt tay cải tổ giáo dục, họ tập trung vào chất lượng người thầy tương lai. Một thống kê cho thấy cứ 10 người nộp đơn để trở thành giáo viên thì chỉ có một người được đứng lớp. Kết quả đến nay họ là nước có nền giáo dục chất lượng hàng đầu trên thế giới.

Hiện nay phần lớn giáo viên đứng lớp ở VN là những người được đào tạo chính quy, bài bản; việc thiếu hụt giáo viên cũng không quá trầm trọng (bằng chứng là rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường dù chấp nhận đi xa vẫn không có chỗ dạy). Vì vậy, dù muộn còn hơn không, đã đến lúc tìm cách để danh xưng thầy giáo thật sự là chính danh. 

Thuỳ Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.