Tạm ứng nhiều, hoàn chẳng bao nhiêu

15/09/2014 09:10 GMT+7

Nghịch lý đó xảy ra tại nhiều dự án xây dựng cơ bản tại tỉnh Quảng Trị; các chủ đầu tư tạm ứng vốn tại Kho bạc Nhà nước tỉnh nhưng dự án hoặc thi công ì ạch hoặc dậm chân tại chỗ sau nhiều năm...

Xung quanh nhà văn hóa Quảng Trị vẫn còn nham nhở, chưa thể giải phóng mặt bằng, do vậy Sở VH-TT-DL tỉnh chưa thể làm thủ tục hoàn vốn cho Kho bạc Nhà nước - Ảnh: Nguyễn Phúc 

Đụng đâu, chậm đấy

Báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh cho hay, số tiền tạm ứng đến cuối tháng 6.2014 tồn đọng hơn 300 tỉ đồng. Đơn vị này cũng “điểm mặt” những chủ đầu tư “quên” hoàn ứng vốn. Trong đó, BQL DA đầu tư và xây dựng TP.Đông Hà đứng “đầu bảng” với hơn 46 tỉ đồng; BQL DA đầu tư và xây dựng giao thông hơn 43 tỉ đồng; BQL DA đầu tư và xây dựng H.Triệu Phong là hơn 37 tỉ đồng; Sở VH-TT-DL là gần 19 tỉ đồng...

Dự án đường Trần Nguyễn Hãn (P. Đông Giang, TP.Đông Hà) là ví dụ điển hình cho sự chậm trễ này. Dự án được thông qua năm 2010 với mức đầu tư 143 tỉ đồng. Vốn đã có tại Kho bạc Nhà nước là 86 tỉ đồng. Chủ đầu tư là BQL DA đầu tư và xây dựng TP.Đông Hà đã tạm ứng gần 30 tỉ đồng nhưng hầu như chưa có “nhúc nhích” nào của dự án này từ bản vẽ ra... thực địa.

Đáng nói, con đường ước mơ, chạy dọc bờ sông Hiếu của bà con địa phương nơi đây cho đến thời điểm này chỉ mang lại phiền toái cho họ. “Nghe Nhà nước làm đường to, tôi mừng lắm nhưng chờ mãi mà có thấy gì đâu. Nhà tôi xây từ những năm 80, vừa chật vừa không biết lúc nào sẽ sập nhưng 6 người vẫn không được xây dựng vì vướng quy hoạch. ”, một cụ ông (đề nghị không nêu tên) bức xúc nói. Công tác giải phóng mặt bằng tại dự án này cũng đang gặp khó khăn khi chủ đầu tư chỉ mới “xong” được vài trăm mét cuối đường và hiện có hàng chục hộ dân chưa đồng ý với mức bồi thường.

Tương tự, đối với dự án quảng trường và Nhà văn hóa trung tâm do Sở VH-TT-DL làm chủ đầu tư cũng đang chưa hoàn ứng 18,8 tỉ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng đang gặp khó vì một số hộ dân vẫn chưa chịu nhận tiền để dời đi. Dù công trình nhà văn hóa được đánh giá là vào loại “hoành tráng” nhất nhì miền Trung đã đi vào hoạt động hơn 2 năm, nhưng quanh nó vẫn nham nhở gạch đá của những ngôi nhà đã bị đập bỏ và những ngôi nhà còn lại. Tại dự án đường tránh lũ, cứu hộ H.Triệu Phong, nam H.Cam Lộ và dự án khu tái định cư cho đồng bào dân tộc di dời thực hiện dự án cơ sở hạ tầng cụm cửa khẩu Lao Bảo mở rộng cũng xảy ra tình trạng tương tự, với mức tạm ứng xấp xỉ 12 tỉ đồng/dự án...

Sẽ thu hồi vốn trả cho T.Ư?

Qua trao đổi với một số chủ đầu tư, nguyên nhân dẫn đến việc đến việc chậm hoàn ứng chủ yếu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Theo họ thì họ thường tạm ứng vốn để bồi thường mặt bằng cho dân nhưng ra thực tế thì nhiều hộ dân không nhận nên không thể làm thủ tục hoàn ứng cho Kho bạc. “Không giải phóng mặt bằng được thì làm sao thi công, nên công trình lại chậm tiến độ”, đại diện một chủ đầu tư nói.

Sở KH-ĐT cho hay ngoài việc đốc thúc các chủ đầu tư sớm thanh toán các khoản hoàn ứng, đơn vị đã ban hành văn bản đề nghị Kho bạc Nhà nước tạm dừng thanh toán đối với các chủ đầu tư có số dư tạm ứng tồn đọng từ 24 tháng trở lên. Và ngay tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ra “tối hậu thư” với dự án đường Trần Nguyên Hãn để các dự án khác lấy đó làm gương. Cụ thể, ông chỉ đạo nếu 6 tháng cuối năm này mà dự án này vẫn không triền khai được, đề nghị Sở KH-ĐT thực hiện các thủ tục cần thiết để thu hồi vốn trả cho T.Ư.

Chỉ đạo này đã có hiệu quả khá tức thì bởi theo thông tin từ Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị, đến cuối tháng 7.2014, số dư tạm ứng đã giảm hơn 47 tỉ đồng so với thời điểm 23.6.2014.

Nguyễn Phúc 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.