Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 5: 'Khoa trương văn hóa'

24/09/2014 11:33 GMT+7

(TNO) 'Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài, mà quốc thể thêm được tôn trọng, làm cho người Bắc phải khuất phục...' - Sử gia Phan Huy Chú.

(TNO) “Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài, mà quốc thể thêm được tôn trọng, làm cho người Bắc phải khuất phục...” - Sử gia Phan Huy Chú

>> Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 1 : Mệnh nước
>> Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 2: Định yên bờ cõi


Hình ảnh Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trong sách giáo khoa - Ảnh tư liệu

Ở phần trước chúng tôi có nhắc tới việc Lê Hoàn sai thiền sư Pháp Thuận giả làm giang lệnh ra chèo thuyền đón Lý Giác. Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép: “Giác rất thích nói chuyện văn thơ. Bấy giờ gặp lúc có hai con ngỗng bơi trên mặt nước, Giác vui ngâm rằng:

Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha

(Ngỗng ngỗng hai con ngỗng

Ngửa mặt nhìn chân trời)

Pháp sư đang cầm chèo, theo vần làm nối đưa cho Giác xem:

Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo bãi thanh ba

(Lông trắng phơi nước biếc

Sóng xanh chân hồng bơi)

Giác lấy làm lạ…”.

Thực ra, theo giáo sư Lê Mạnh Thát (Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập II), 4 câu thơ chỉ là sự “nhuận sắc tinh tế” bài thơ Vịnh nga của nhà thơ Lạc Tân Vương sống 3 thế kỷ trước, Lý Giác đã ngâm hai câu đầu và Pháp Thuận đã nối tiếp thêm hai câu cuối. Dẫu vậy giai thoại này cũng đã nói lên việc phô diễn học vấn của dân ta mà Lê Hoàn muốn thể hiện trong quan hệ ngoại giao với nhà Tống. Bởi vậy sau này Lê Quý Đôn khi đọc đến đoạn đối đáp đã hạ bút trong Kiến văn tiểu lục:

Thuận sư thi cú

Tống sứ kinh dị

Cũng trong lần tiếp sứ đó, khi Lý Giác từ giã ra về, vua xuống chiếu cho quốc sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu viết một “bài hát” (nguyên văn: chế khúc, là một bài từ đặt theo một ca điệu có sẵn) tiễn đưa. Bài này được ghi trong ĐVSKTT:

Tường quan phong hảo cập phàm trương

Diêu vọng thần tiên phục đế hương

Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lương

Cửu thiên quy lộ trường

Tình thảm thiết đối ly trường

Phan tuyến sứ tinh lang

Nguyện tương thâm ý vị biên cương

Phân minh tấu ngã hoàng.

(Nắng lành gió thuận cánh buồm giương

Xa ngóng thần tiên về đế hương

Gập ghềnh sông núi vượt trùng dương

Trời xanh hút dặm trường

Tình thắm thiết, chén lên đường

Vin xe sứ vấn vương

Xin đem thâm ý vì biên cương

Phân minh tâu vua tỏ tường) (*)

Từ khúc này cũng chép trong Thiền Uyển tập anh (TUTA), truyện Khuông Việt, ghi là bài Ngọc lang qui (truyền bản TUTA đời Nguyễn ghi là Vương lang qui), với vài chi tiết sai khác so với bản chép trong ĐVSKTT. Theo khảo sát của giáo sư Lê Mạnh Thát, Ngọc lang qui không phải là tên của từ khúc mà tên của một loại từ khúc, nghĩa là nếu từ khúc nào viết theo điệu Ngọc lang qui thì phải tuân thủ số chữ dùng trong mỗi câu cũng như luật bằng trắc và nhịp điệu cùng độ dài ngắn của khúc từ. Bài Ngọc lang qui cuốn hút rất nhiều nhà nghiên cứu và gây nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề truyền bản, câu cú và mối tương quan với văn học Trung Quốc…, nhưng đều thống nhất khúc từ này viết theo điệu Nguyễn lang qui (dựa vào tích Lưu Thần và Nguyễn Triệu từ giã đào nguyên về hạ giới).

Điệu Nguyễn lang qui rất phổ biến thời Tống, nhưng theo nhà nghiên cứu trẻ Phạm Văn Ánh (Viện Văn học), thời điểm đại sư Khuông Việt viết từ khúc Nguyễn lang qui ngay cả vị “sơ tổ” của các nhà viết từ thời Bắc Tống cũng chưa ra đời.

Giáo sư Lê Mạnh Thát cũng cho rằng bài Nguyễn lang qui của đại sư Khuông Việt không chỉ là khúc từ xưa nhất của văn học Việt Nam mà còn của văn học thế giới, bởi vì những bài từ loại này hiện còn chép trong sách Trung Quốc như Tống lục danh gia từ, Tuyệt diệu hảo từ thiêm… đều là của những tác giả về sau như u Dương Tu (1007-1072), Tô Thức (1037-1101), Hoàng Đình Kiên (1045-1105)… Cho nên dĩ nhiên Lý Giác phải kinh ngạc và nể phục.

Điều đáng chú ý là bài Ngọc lang qui này được viết ra để hát, nó cũng là bài hát có sớm nhất trong lịch sử âm nhạc nước ta còn truyền bản, sau bài Việt ca mà Mã Viện đã “điều tấu” với vua Hán. Về nhạc thì được biết nó thuộc chính khúc cung nam lữ, nhưng cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được nhạc bản của nó gồm những gì, nên rất tiếc là chúng ta ngày nay chưa có thể… hát nó lên được.

Chắc chắn về văn chương nghệ thuật thời kỳ Tiền Lê không chỉ có những bài Nam quốc sơn hà, Quốc tộNgọc lang qui. Các vị thiền sư lừng danh của chúng ta chắc cũng không chỉ sáng tác chừng ấy tác phẩm, và nhân tài cũng không chỉ có các vị thiền sư nói trên. Đáng tiếc là sử sách còn lại quá ít.

Dù ít nhưng cũng đủ làm sáng danh nước Việt ta, như Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã viết: “Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài, mà quốc thể thêm được tôn trọng, làm cho người Bắc phải khuất phục. Sau này, mỗi khi sứ giả Trung Quốc về nước đều có thơ tống tiễn để khoa trương văn hóa, là bắt đầu từ đây”.


Đài tưởng niệm kênh nhà Lê tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An - Ảnh: Khánh Hoan

Lê Quý Đôn cũng nhận xét: “Nước Việt ta từ khi gây dựng, văn minh không thua kém gì Trung Quốc. Bài từ Lê Tiên hoàng tiễn sứ Tống, lời lẽ nõn nà có thể vốc lên được” và đánh giá tác giả bằng hai câu thơ: Chân Lưu tài từ/Trứ danh nhất thời (Kiến văn tiểu lục).

Còn Ngô Thì Sĩ, đã phải ngạc nhiên tự hỏi: “Xét sử, một đời vua Đại Hành, không thấy có nhắc gì đến học hiệu và khoa cử. Những thư từ đi lại hồi bấy giờ, như là thư xin tập vị, lời nói uyển chuyển và đắc thế, đến bài nối vần bài thơ Thiên nhai, ca khúc tiễn sứ thần tình ý lanh lẹ, đầy đủ tình tứ, văn nhân cũng không thể hơn được, không biết học hành tự đâu?” (Việt sử tiêu án).

Chuyện “học hành từ đâu” của vua Lê Đại Hành xin dành cho các nhà nghiên cứu tiếp tục khảo sát và bình luận.

Tóm lại, người Việt Nam ta ai cũng biết Lê Hoàn là một ông vua anh hùng, vừa có công giữ nước vừa có công dựng nước, nhưng lịch sử vẫn chưa đánh giá hết tầm vóc vĩ đại của ông. Ngày nay, mỗi khi đất nước lâm nguy chúng ta lại nhớ tới Lê Hoàn, và mỗi khi ai đó trong người Việt Nam chúng ta tự ti, tự sỉ vả dân tộc mình, thì hãy nhớ rằng từ ngàn năm trước người Việt chúng ta đã không hề tự coi mình là nhược tiểu, không phải chỉ dựa vào những chiến công hiển hách mà còn ở tầm văn hóa. Nếu người Việt ta có xấu hổ thì chỉ nên xấu hổ với tiền nhân, không được phép xấu hổ với người ngoài.

Hoàng Hải Vân

(*) Bản dịch này căn cứ hai bản dịch của Giáo sư Hà Văn Tấn và Giáo sư Lê Mạnh Thát, chúng tôi chỉnh sửa lời cho dễ đọc nhưng vẫn sát nghĩa nguyên bản chữ Hán.

>> Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 4: 'Tư duy kinh tế' vượt trội
>> Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 3: Dựng Hùng triều ngọc phả, ra oai với nhà Tống

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.