Trong buổi lễ tốt nghiệp, tân bác sĩ Vinh đã có bài phát biểu gây xúc động: “Hơn 20 năm qua, con luôn tự hào vì có cha mẹ luôn ở phía sau động viên, chia sẻ và giúp đỡ. Cha mẹ chân lội bùn nhưng con được học ở thành phố. Chiếc áo cha mẹ mặc lấm lem nhưng chiếc blouse con mặc thật đẹp, thơm tho. Cha mẹ sử dụng chiếc điện thoại mà hiện tại chúng ta hay gọi vui là “cùi bắp” hay “đồ đập nước đá” để liên lạc…”.
Vinh nghẹn ngào nói tiếp: “Cha mẹ ít học, không nhiều tiền thì đã sao? Hay cái cách mà người ta nói về cha mẹ là những người nhà quê, ăn nói không khéo léo, những điều đó không quan trọng. Trong mắt con, cha mẹ vẫn thật phi thường…”.
Vinh được sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Cha mẹ của Vinh trồng lúa, nuôi tôm một năm 2 vụ và đánh bắt gần bờ biển nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Nhà Vinh ở giữa cánh đồng lúa, con đường đi học ngày trước đầy bùn lầy vào mùa mưa. Khi còn ở bậc tiểu học, mỗi sáng cha Vinh phải cõng con trai qua những đoạn đường đất để đến trường.
Lên bậc THCS và THPT, mùa nắng thì đỡ cực, nhưng đến mưa mỗi ngày đi học, Vinh phải vượt qua đoạn đường đầy bùn đất khoảng 3 km để đến nơi gửi xe đạp. Từ điểm này, Vinh phải đạp xe hoặc đó buýt thêm 7 km nữa mới đến được Trường THPT Lê Hoài Đôn. Vinh cho biết có những hôm trượt té, phải mang quần áo đầy bùn đất vào lớp.
Cực khổ như vậy, nhưng cậu bé Vinh ngày đó rất ham học và đạt được nhiều thành tích tốt như giải ba kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Bến Tre môn sinh học vào năm 2018. Sau khi đậu vào Trường ĐH Y dược Cần Thơ, Vinh từng nói với gia đình sẽ bảo lưu để đi làm vì quá khó khăn. Thấy vậy, các thầy cô ở Trường THPT Lê Hoài Đôn, tỉnh Bến Tre đã kết nối với những mạnh thường quân ở Mỹ để xin học bổng cho Vinh. May mắn, Vinh đã được hỗ trợ học phí trong suốt 6 năm học y đa khoa.
“Đến năm lớp 12, mình vẫn chưa có được chiếc điện thoại thông minh. Cả nhà mình chỉ dùng chung chiếc điện thoại mà mọi người hay nói là “cục gạch”, để nghe, gọi chứ không thể kết nối internet. Sau khi thi tốt nghiệp THPT năm 2018, trong thời gian chờ kết quả, mình đã đi theo moi5i người đánh bắt gần bờ khoảng 2 tuần để kiếm tiền mua chiếc điện thoại thông minh đầu tiên với giá hơn 3 triệu đồng”, Vinh chia sẻ.
Vinh nhớ những ngày đầu mới đến TP.Cần Thơ nhập học đã mua một chiếc xe đạp để tiện đi lại. Vinh xin làm thêm ở quán cà phê, tự làm sữa bắp, nước ép… đem bán để kiếm tiền chi trả sinh hoạt phí. “Có những hôm đi học về, mình phải nấu sữa bắp đến 1- 2 giờ sáng mới xong. May mắn là thời gian đó được mọi người, các bạn trong trường ủng hộ rất nhiều. Khi ấy, mỗi ngày mình bán được 20 - 30 chai sữa bắp và nước ép”, Vinh nói.
Lên năm thứ tư đại học, Vinh xin làm quản lý cho một quán trà sữa để kiếm thêm thu nhập. Vinh còn là lớp trưởng YM khóa 44, tham gia nhiều hoạt động phong trào như viết bài truyền thông, thiết kế poster cho trường.
Làm thêm rất nhiều nhưng Vinh vẫn không lơ là việc học. Chàng trai này vẫn duy trì điểm số rất cao và được nhận xét là nhiệt tình, ham học hỏi trong những đợt đi thực hành tại bệnh viện. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi ngành y đa khoa, Vinh có nguyện vọng ở lại trường công tác.
Bác sĩ Võ Châu Quỳnh Anh, giảng viên của Trường ĐH Y dược Cần Thơ, người hướng dẫn Vinh cho biết: “Ý thức được gia đình khó khăn nên Vinh rất chịu khó, cố gắng vừa học, vừa làm. Vinh có đam mê về chuyên ngành sản phụ khoa. Trong quá trình thực hành, Vinh rất chịu khó trao đổi, lăn xả không ngại cực, thông minh và em rất hòa đồng với mọi người”.
Bình luận (0)