Bên hành lang kỳ họp Quốc hội sáng 3.8, tân Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ với báo giới xoay quanh nội dung đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, giải cứu thị trường bất động sản và giám sát chất lượng công trình xây dựng cơ bản.
Theo ông Dũng, “nhiệm kỳ tới đặt ra rất nhiều thách thức cần phải làm với Bộ Xây dựng. Đầu tiên là phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đầu tư xây dựng; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai và các nguồn lực khác như vốn đầu tư, nguồn nhân lực; nâng cao hiệu qủa sử dụng vốn đầu tư xây dựng. Hạn chế thất thoát, lãng phí.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là phải tập trung vào quá trình quản lý đô thị, để đô thị thực sự trở thành động lực của quá trình phát triển kinh tế và trở thành hạt nhân để thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mỗi địa phương, mỗi vùng và của cả nước.
Thứ ba là phải tập trung để phát triển nhà ở, đặc biệt quan tâm nhà ở xã hội, nhà ở cho những người ít có điều kiện để tiếp cận với nhà ở giá quá cao”.
Xây nhà ở xã hội cần nỗ lực của nhiều bộ, ngành
* Bộ sẽ có cơ chế cụ thể như thế nào để ưu tiên phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?
- Vấn đề nhà ở xã hội hiện nay được Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ rồi các Phó thủ tướng đặc biệt quan tâm và có nhiều chính sách ưu tiên, chẳng hạn hỗ trợ tiền sử dụng đất, hỗ trợ một phần tiền, hỗ trợ chính sách khác như lãi suất cho vay ưu đãi, rồi các quỹ phát triển khác. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta phải cụ thể hóa bằng các chương trình cụ thể, điều này đòi hỏi sự nỗ lực cao của các bộ nói chung, trong đó có Bộ Xây dựng và các chính quyền địa phương, đặc biệt là các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM. Ngoài ra, cũng phải tổ chức thực hiện thế nào để xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện theo một thời kỳ dài, một thời kỳ trung hạn và nó phù hợp với các đối tượng khác nhau trong sử dụng nhà ở.
* Những sự việc xảy ra thời gian qua cho thấy việc xây dựng nhà ở xã hội còn bị các đối tượng khá giả lợi dụng dẫn tới việc người nghèo tiếp cận với loại hình nhà ở này không nhiều. Tới đây sẽ khắc phục tình trạng này bằng giải pháp gì?
- Bây giờ chúng ta phải xác định thế này, hiện chúng ta có 2 loại thị trường nhà ở, một là hàng hóa do thị trường điều tiết, chủ yếu cho những người có khả năng thanh toán mua những căn nhà này, những người có thu nhập cao hơn, những nhà cao cấp. Một loại nhà ở nữa phi hàng hóa, tức là có thị trường, có nhu cầu nhưng nó không tuân theo quy luật của thị trường, cái này chủ yếu Nhà nước phải can thiệp vào để cơ cấu nhà ở loại này nhiều hơn, số lượng nhiều hơn thì mới đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng.
Nhà nước có trách nhiệm điều tiết cung - cầu nhà ở
* Một vấn đề được xới lên nhiều trong thời gian gần đây là sự trầm lắng của thị trường bất động sản. Theo ông đâu là căn nguyên chính dẫn tới những "cơn nóng lạnh" thất thường của thị trường này và giải pháp để khắc phục trong thời gian tới của Bộ Xây dựng?
- Hiện chưa có đánh giá chính xác xem thị trường bất động sản cụ thể thế nào, nhưng rõ ràng hiện nay nó trầm lắng như thế thì phải quan tâm đến nó. Trầm lắng thể hiện thực tế giữa cung và cầu là có vấn đề, cung - cầu ở đây tức là có những loại nhà nguồn cung quá nhiều nhưng nó chưa phù hợp với khả năng thanh toán của người dân, của từng đối tượng khác nhau và của nền kinh tế, và có loại nhà lại rất thiếu.
* Vậy sắp tới Bộ Xây dựng có đề xuất biện pháp cụ thể gì để khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu như ông nói trên?
- Cái đó cần sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước phải có những chính sách mà ở đây Bộ Xây dựng cùng với các địa phương như Hà Nội, TP.HCM phải rà soát lại, đánh giá được nhu cầu nhà ở căn cứ vào quy hoạch của từng giai đoạn, xem dân số tăng bao nhiêu và bao nhiêu nhà ở là vừa, từ đó xác định nhu cầu đất là bao nhiêu, bao nhiêu dự án. Cái đó thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước để làm thế nào can thiệp, điều tiết để có thể phát triển cân bằng cung - cầu về nhà ở.
* Có ý kiến cho rằng việc trầm lắng như hiện nay mới kéo thị trường bất động sản về giá trị thực một cách tự nhiên, cần gì phải giải cứu. Ông nghĩ sao?
- Không phải hoàn toàn là như thế, nếu tất cả đều theo quy luật tự nhiên, không ảnh hưởng đến ai, chúng ta không phải bàn. Những nhà đầu tư đều phải bỏ tiền ra và đây cũng là sản phẩm của xã hội, tài sản của xã hội, chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ nó để phát triển một cách hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Nguyệt Minh
(thực hiện)
Bình luận (0)