Sáng 31/5, vừa đúng 30 ngày sau khi Quyết định số 55 của UBND TP.HCM có hiệu lực, tôi vào UBND phường Tân Thuận Tây, một phường tương đối "nhiều việc" ở khu vực ven đô thuộc Q.7 và quan sát quy trình "chứng thực sao y bản chính" giấy tờ cho người dân theo tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố. Đập vào mắt tôi ngay khi bước vào cửa là một "quầy công chứng" được thiết kế khá hợp lý với một bên là hàng ghế dành cho người dân trong lúc chờ đợi, một bên là khu làm việc của bộ phận tiếp nhận, thu lệ phí và trả hồ sơ. Lúc đó là đầu giờ buổi sáng nhưng chỉ có chừng 9 - 10 người đến sao y, chủ yếu là sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân. Và điều "mấu chốt" nhất mà chúng tôi ghi nhận được là hầu như không có người dân nào phải đợi quá 10 phút trong buổi sáng hôm ấy.
Nhớ lại chuyện phải trải qua một cơn "bĩ cực" ở Phòng Công chứng số 1 khoảng hai tuần trước ngày 30/4/2005, đến giờ tôi vẫn còn thấy "oải". Hôm ấy ba tôi từ dưới quê lên làm hồ sơ nhà cho em gái tôi thì phát hiện ra thiếu 2 bản photo giấy chứng minh nhân dân có công chứng nên được xe ôm thả xuống Phòng Công chứng số 1. Loay hoay suốt hơn một giờ đồng hồ ông cụ cũng đến được chỗ quầy thu lệ phí, công đoạn cuối cùng của "lộ trình chen lấn" này. Nhưng đến lúc ấy thì tự dưng thấy xây xẩm mặt mày nên cụ bỏ dở để bước ra ngoài tìm điện thoại công cộng gọi tôi ra. Bỏ dở công việc ở cơ quan, tôi tức tốc phóng xe đến nơi thì thấy cụ đang ngồi bất động ở một góc căn-tin bên phải cổng ra vào. "Ba hơi mệt nhưng chắc không sao, ngồi nghỉ chút là được", nói xong cụ bảo tôi trở vào quầy thu lệ phí chờ nộp tiền để nhận hồ sơ ra về luôn cho kịp. Tôi vào, và cố chen qua khỏi tốp mấy cô cậu sinh viên đang dỏng tai nhón chân để tìm một chỗ đứng sát tường phía trong, vì chỉ có như vậy mới vừa nghe gọi tên được, vừa tránh khỏi những bất ổn của cảnh "người ra kẻ vào". Rồi phần thì lo cho sức khỏe của ông cụ bên ngoài, phần thì bám theo "phương án" đó nên cuối cùng đã đi tong cả buổi sáng. Chỉ đơn giản là trong lúc ông cụ bỏ ra ngoài thì ở trong quầy người ta đã "xướng" tên cụ mấy lần nhưng không thấy mặt nên đã xếp hồ sơ vào nhóm "vô thừa nhận" để giải quyết cho những người tiếp theo. Rồi cứ thế trôi qua cho đến cuối giờ.
Bà Lê Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch UBND phường Tân Thuận Tây đang giải quyết hồ sơ sao y giấy tờ cho dân. Ảnh V.K |
Tại Phòng Công chứng số 2, Trưởng phòng Hoàng Xuân Hoan đã phải cho rút bớt nhân sự ở khu tầng trệt, nơi từng được ví như một "cái chợ", vì giờ đây không còn cần thiết nữa. Ở quầy thu lệ phí tại khu vực tầng lửng, tôi cũng chứng kiến những hàng băng ghế vốn chật cứng những người dân ngồi đợi trước đây nay đã trở nên thừa. Với chừng 20 loại việc công chứng có tính "chuyên sâu" còn lại trong thẩm quyền của mình, như: hợp đồng mua bán, cho thuê, cầm cố, thế chấp tài sản; lập di chúc; ủy quyền; chữ ký..., các công chứng viên ở đây cũng không có gì phải vội vã.
Tôi cũng đã "gõ cửa" công chứng viên Phan Văn Cheo, Trưởng phòng Công chứng số 1, ông Cheo nói: "Trước đây bình quân một ngày tiếp 400 lượt người đến sao y giấy tờ, còn nay thì có ngày chỉ có 40 lượt người".
Rõ ràng với Quyết định 55, UBND TP.HCM đã điều tiết tình hình rất kịp thời, trả lại hoạt động bình thường cho 5 phòng công chứng trên địa bàn thành phố.
Ghi chép của Võ Khối
Bình luận (0)