Nếu ví von vui thì doanh nghiệp cũng giống như một đội bóng. Muốn chiến thắng trước đối thủ thì đội bóng phải tổ chức tốt hàng tấn công lẫn hàng phòng thủ, nếu bỏ quên hàng phòng thủ, lưới sẽ thủng lúc nào không hay. Trong khi đó, để tổ chức tốt khâu “tấn công” phải tốn hàng tỉ, thậm chí là cả chục đến hàng trăm tỉ đồng để quảng cáo sản phẩm và công ty còn để tổ chức tốt khâu “phòng thủ” thì chỉ cần tinh thần trách nhiệm và uy tín, không tốn thêm đồng xu nào, lợi cho công ty biết bao nhiêu thì lại làm không được. Chỉ lo tấn công! Không chỉ doanh nghiệp nhỏ cần biết mà doanh nghiệp lớn cũng cần nhớ điều này thì mới có thể phát triển bền vững, đặc biệt là mới dễ dàng vượt qua tình hình kinh tế khó khăn hiện nay”.
Quả thật, nhìn vào bi kịch của những “thượng đế đi kiện” như ông Huỳnh Kim Phước (ngụ ở Q.5, TP.HCM) và ông Võ Văn Muội (ngụ ở Q.Bình Tân) thì sẽ hiểu thực tế “chân lý” mà người cán bộ bảo vệ người tiêu dùng nói trên đã chia sẻ. Ông Phước mua chiếc điện thoại giá trên 5 triệu đồng vào tháng 12.2009. Sau hơn một năm dùng (vào tháng 1.2011), máy không bắt được tín hiệu gọi đến, ông mang đến trung tâm bảo hành và sửa chữa của hãng này nhờ sửa. Nhân viên kỹ thuật mở máy kiểm tra và công nhận máy mới sửa lần đầu (đảm bảo máy còn nguyên là hàng chính hãng), rồi bảo 3 ngày nữa sẽ báo cho ông biết “bệnh” của máy.
“Nhưng đến tận 20 ngày sau, với nhiều lần tôi gọi đến hỏi thăm mới được báo: máy hư không sửa được, đề nghị chủ đến nhận máy về! Tức điên người! Tôi “làm dữ” lên thì người đại diện trung tâm bảo không phải không sửa được mà do linh kiện bị hỏng và không có linh kiện sẵn để thay, năn nỉ tôi về nhà chờ khi nào linh kiện được nhập về sẽ thay liền. Tôi tin nên ra về, thế mà tôi cứ phải “dài cả cổ ra đợi”… đợi mãi đến 4 tháng sau, tôi “làm dữ” lên một lần nữa thì trung tâm xin lỗi, hứa sẽ thay linh kiện cho tôi với mức phí 1 triệu đồng và hẹn một tuần sau lấy. Cố gắng tin một lần nữa, nhưng hỡi ơi, thời gian chờ đợi lại tiếp tục dài ra hơn nhiều so với lời hứa… Đến tận cuối tháng 6 trung tâm mới gọi tôi lên đóng tiền lấy máy về”, ông Phước cho biết.
Thế là, phải mất hơn 5 tháng cái điện thoại của ông Phước mới được sửa xong. Nhưng lúc này, ông Phước ấm ức không muốn trả tiền sửa điện thoại để nhận lại máy, bởi: “Trong thời gian chiếc máy nằm quá lâu ở trung tâm, tôi đã phải mua máy mới để xài. Giờ tôi chẳng biết nhận máy về để làm gì trong khi mục đích dùng đã không còn. Mặt khác, vì thời gian sửa quá lâu, giá trị của máy giờ còn rất thấp, chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng, trong khi phải đóng phí 1 triệu đồng để lấy máy”.
Tương tự, sau hành trình gian nan “đòi công bằng cho chiếc điện thoại”, ông Võ Văn Muội đã lắc đầu ngao ngán: “Chỉ khi cơ quan chức năng can thiệp thì họ mới đàng hoàng với mình, thật là hết biết”.
Cẩm Nhi
Bình luận (0)