Tản Đà - thơ, rượu và ngông: Xung quanh giai thoại “Chim họa mi”

08/05/2010 19:36 GMT+7

Trong những giai thoại lý thú về Tản Đà, có câu chuyện ông đã làm bài thơ vịnh chim họa mi để “xỏ xiên” quan Khâm sai đại thần Hoàng Cao Khải. Tuy nhiên, gần đây đã có những câu hỏi xung quanh bài thơ này.

Đó là bài thơ Chim họa mi trong lồng, nguyên văn bài thơ như sau: “Họa mi, ai vẽ nên mi?/Trông mi mi đẹp, hót thì mi hay!/Ai đưa mi đến chốn này?/Nước trong, gạo trắng mi ngày ăn chơi/Lồng son, cửa đỏ thảnh thơi/Mi bay, mi nhảy, sướng đời nhà mi/Nghĩ cho mi cũng gặp thì/Rừng xanh mi có nhớ gì nữa không?”.

Trong nhiều tài liệu có đăng tải bài thơ này thì phía dưới chỉ ghi vỏn vẹn mấy chữ “Bài thơ đả kích Hoàng Cao Khải” như là một ghi chú. Riêng trong Tản Đà toàn tập (NXB Văn học - Hà Nội, 2002) dưới bài thơ Chim họa mi trong lồng có phần chú thích của cụ Nguyễn Khắc Xương (con trai trưởng cụ Tản Đà - NV): “Bài này năm 1932, Tản Đà cho in ở Khối tình con III và chú trong mục là: Hữu Thanh. Chúng ta biết lúc Tản Đà làm chủ bút Tạp chí Hữu Thanh là vào năm 1921. Theo Tiên Sơn (Tạp chí Văn Học số 4-1970) thì: “trước năm 1932, Tản Đà cho đăng bài này trên Báo Nam Phong dưới hình thức sưu tầm một bài thơ cổ và không ký tên. Một lần sau đó, Tản Đà lại cho đăng bài đó trên Phụ nữ Tân văn nhưng cũng chỉ ký XXX. Năm 1932, ông mới chính thức cho in bài Chim họa mi trong lồng vào Khối tình con III và ghi rõ cả năm sáng tác bài thơ. Bài này là một bài sáng tác tại chỗ trước mặt Hoàng Cao Khải trong một cuộc thi thơ vịnh chim họa mi do Hoàng Cao Khải tổ chức. Tản Đà đi cùng cử nhân Ngô Thế Phổ (Tả Thanh Oai, dòng dõi Ngô Thời Sĩ); đọc xong bài này, cả hai ra xe tay thuê sẵn đi luôn (theo lời cụ Ngô Thế Hoằng, con cụ Ngô Thế Phổ)”.

Hoàng Cao Khải (1850-1933) quê ở Đông Thái, Hà Tĩnh (cùng quê với lãnh tụ nghĩa quân Phan Đình Phùng), đỗ cử nhân thời vua Tự Đức rồi được thăng đến Khâm sai Kinh lược Bắc kỳ. Năm 1897 được triệu về Huế trao chức Thượng thư Bộ Binh. Khi phong trào văn thân khắp nơi nổi lên hưởng ứng hịch Cần vương của vua Hàm Nghi, mà Phan Đình Phùng là một lãnh tụ kiệt hiệt thì người Pháp đã dùng Hoàng Cao Khải lấy danh nghĩa là người đồng hương viết thư chiêu dụ cụ Phan về hàng nhưng ông đã khẳng khái cự tuyệt. Dụ hàng không thành, Pháp đề nghị với triều đình phong Nguyễn Thân là Khâm sai đại thần đem quân ra tróc nã nghĩa quân ở căn cứ Ngàn Trươi - Vụ Quang, đó là năm 1895. Cùng năm đó, Phan Đình Phùng bị bệnh và mất trong chiến khu. Sau đó, nghĩa quân dần dần tan rã. Để thưởng công cho Nguyễn Thân, người Pháp đã cử y làm Phụ chính đại thần, triều đình nhà Nguyễn phong cho y tước Quận công. Lúc này triều đình có đến hai đại thần, cả hai đều được lòng người Pháp (trước đó Hoàng Cao Khải đã được phong Thái tử Thái phó, Văn minh Đại học sĩ tước Duyên Mậu Quận công) và đang tranh nhau quyền hành. Sau này, Hoàng Cao Khải yếu thế hơn Nguyễn Thân nên xin lui về ấp Thái Hà (Hà Nội) nghỉ hưu.

Khoảng năm 1970, tại Sài Gòn có lưu hành cuốn Chơi chữ  của Lãng Nhân (Nam Chi tùng thư xuất bản), có đăng bài thơ Chim họa mi và những ghi chú của Lãng Nhân: “Ở ấp Thái Hà, nơi Hoàng Cao Khải hưu dưỡng, thường có mở ra những cuộc vui chơi, như chọi gà, đánh cờ người, chọi chim họa mi… Một buổi chọi chim đã làm đầu đề cho bài vịnh sau đây, ám chỉ gian thần: “Họa mi, ai họa nên Mi?/Mã thì cũng đẹp, hót thì cũng hay/Ai đưa Mi đến chốn này/Nước trong, gạo trứng Mi rày cứ xơi/Lầu hồng, gác tía thảnh thơi/Mi ăn, Mi nhảy sướng đời nhà Mi/Khen thay Mi cũng gặp thì/Tổ xưa Mi có nhớ gì nữa không?... Ăn rồi, rồi lại hót thong dong/Bởi thế nên Mi mắc phải lồng/Gạo trứng, nước trong Mi thú nhỉ/Vào luồn ra cúi có vinh không?”. Lãng Nhân không ghi rõ ai là tác giả bài thơ này. So sánh 2 bài thơ, ta thấy bài trong sách của Lãng Nhân chữ nghĩa trúc trắc, gò bó không nhuần nhuyễn, thuần Việt như bài của Tản Đà. Hơn nữa, bài trong sách của Lãng Nhân ngoài 8 câu lục bát còn có thêm 1 khổ tứ tuyệt như ghép thêm một cái chân lỏng lẻo vào cái kiềng ba chân đã đủ vững vàng. Thêm vào chỉ cốt cho hợp với chuyện thi vịnh chim họa mi nhân đó chửi khéo Hoàng Cao Khải.

Trong trang web Sài Môn thi đàn, tác giả Đức Giang (hiện ở Mỹ), kể rằng mình có mua được một cuốn sách về Văn học cổ Trung Quốc viết bằng tiếng Anh, trong đó có một bài tứ tuyệt của Bạch Cư Dị (Bo Juyi) vịnh một con chim từ An Nam gửi biếu: “The Red Cockatoo. Sent as a present from Annam - A red cockatoo/Colored like the peachtree blossom/Speaking with the speech of men/And they did to it what is always done/To the learned and the eloquent/They took a cage with stout bars/And shut it up inside” (Con Vẹt Đỏ. Từ An Nam gửi biếu một con vẹt màu đỏ - Lông đẹp như hoa đào. Tiếng hót như tiếng người. Rồi như người ta thường làm. Với những người uyên bác, tài hoa. Lấy lồng nan chắc chắn. Nhốt nó lại). Tác giả Đức Giang thấy bài thơ có ý tưởng cao xa và có sự liên hệ với nước ta nên gửi bản tiếng Anh về nước nhờ học giả Nguyễn Quảng Tuân tìm giùm bản dịch từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ. Dưới đây là bản phiên âm sang Hán Việt và dịch nghĩa của học giả Nguyễn Quảng Tuân: “Hồng Anh Vũ - An Nam viễn tiến hồng anh vũ/Sắc tự đào hoa, ngữ tự nhân/Văn chương biện tuệ giai như thủ/Lung hạm hà niên xuất đắc thân” (Chim Hoàng anh - Nước Nam xa tiến chim hoàng anh/Sắc tựa hoa đào, tiếng tựa người/Văn chương biện bạch đều tài giỏi/Muốn thoát khỏi lồng, khó lắm thôi). Ta thấy hai câu cuối của bản dịch nghĩa chưa thật sát với nguyên bản tiếng Anh. Vì thấy giữa hai bài thơ “chim họa mi” và “chim anh vũ” cũng có những điểm tương đồng: bộ lông đẹp, tiếng hót hay, bị nhốt trong lồng nên Đức Giang nêu lên giả thuyết biết đâu Tản Đà đã phóng tác từ “chim anh vũ” thành “chim họa mi”? Chúng ta cũng nên nhớ chi tiết “trước năm 1932, Tản Đà cho đăng bài thơ này trên báo Nam Phong dưới hình thức “sưu tầm một bài thơ cổ”. Điều ngạc nhiên là một bài thơ hay của thi hào Bạch Cư Dị, liên quan đến Việt Nam mà rất ít người biết đến (và dịch).  

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.